So với đợt hạn nặng năm 2016, lượng nước thiếu hụt ở thời điểm này còn trầm trọng hơn. Hàng loạt hồ chứa, công trình thủy lợi không còn khả năng cấp nước cho sản xuất, thậm chí là nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân cũng gặp khó khăn.
Bình Thuận là vùng đất của những vườn thanh long bạt ngàn. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt là 3 tháng trở lại đây trời liên tục nắng nóng, nhiệt độ cao, các hồ chứa nước trong vùng khô kiệt khiến cho những vườn thanh long chưa tưới được lần nào, đang héo úa chết dần.
Đập Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam có dung tích thiết kế hơn 6 triệu m3, thường xuyên được tiếp nước từ hồ Sông Móng để cấp nước thô cho các nhà máy nước, nước sinh hoạt và nước sản xuất của người dân trong vùng. Nhưng nhiều ngày qua, nguồn nước tiếp không còn. Trong khi đó, nắng nóng, nhiệt độ cao liên tục xảy ra, khiến lòng hồ nhanh chóng trơ đáy.
Các hồ chứa khác, dung tích nhỏ hơn như hồ Tà Mon ở xã Tân Lập đã cạn khô, nứt nẻ đất từ nhiều tháng nay.
Tổng lượng nước ở các công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, hiện chỉ còn 12,3 triệu m3, tương ứng với khoảng 4,7% dung tích và chỉ bằng 17,8% so với trung bình nhiều năm. Nguồn nước thiếu hụt trầm trọng như vậy do kết thúc mùa mưa năm ngoái, lượng nước tích được ở các hồ chứa đạt thấp, từ 40 - 75% dung tích. Bên cạnh đó, hồ thủy điện Đại Ninh có nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, sau phát điện cấp nước cho Bình Thuận cũng thiếu hụt trầm trọng.
Lượng nước thiếu hụt trầm trọng không chỉ khiến hàng ngàn ha cây trồng bị hư hại mà gần 100.000 nhân khẩu khu vực nông thôn ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!