Chợ Mơ vốn là một chợ của các làng thuộc vùng Kẻ Mơ. Theo các tài liệu cũ, vào khoảng thế kỷ 13, 14, khu vực phía Nam Thăng Long có nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả (còn gọi là quả mơ), vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ. Ngôi chợ đã tạo nên những nét văn hóa khá đặc sắc cho khu vực Hà Thành. Tuy nhiên, theo những biến động của xã hội hiện đại, phiên chợ Mơ ngày thường cũng không thể nhộn nhịp như những phiên chợ Tết.
Chợ Mơ có đủ các thứ hàng hoá nhưng chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp và phục vụ đời sống nông nghiệp. Sau này, khi dân nội thành trở nên đông đúc ở khu vực lân cận, chợ Mơ đã xuất hiện thêm những yếu tố của thành thị nhưng vẫn được họp theo phiên như lệ cũ.
Và càng gần đến Tết thì những phiên chợ như thế càng đông vui tấp nập người mua kẻ bán hơn những phiên chợ ngày thường. Phiên chợ Mơ ngày Tết náo nhiệt đủ màu sắc của nhiều loại cây cảnh. Hầu hết đều của những người dân ở vùng Văn Giang – Hưng Yên chở về đây họp chợ.
‘ Chợ Mơ trước đây (Ảnh: Internet)
Còn Chợ Bưởi xưa nằm ở phía Tây Thủ đô. Xưa kia chợ chỉ là những dãy lán bằng phên nứa và mang tính chất chợ vùng ven. Đây là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm của các làng nghề vùng Kẻ Bưởi như giấy của các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh… Chợ họp lúc nào cũng đông bởi đó là nơi thăm thú của nhưng người rảnh rỗi, yêu chim thú, cây cảnh. Chợ Bưởi vui nhất ở phiên cuối năm ngày 29 Tết còn bán cả đại gia súc như trâu, bò, ngựa…
“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, tháng chín cho duyên đèo bòng”.
Không ai biết rõ chính xác chợ Bưởi được hình thành từ khi nào, nhưng điều không thể phủ nhận là chợ Bưởi là một trong những chợ có tính lịch sử, văn hóa vào bậc nhất giữa lòng Hà Nội.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, với người ở nội thành thì đi chợ Mơ, chợ Bưởi là ra ngoại ô, có cảm giác rất xa. Nhưng nay chợ Mơ, chợ Bưởi cũng không còn xa nữa, “chợ phiên” vẫn còn tồn tại và đã có sự biến đổi để thích nghi với kiểu sinh hoạt mới của xã hội, đặc biệt là sự xâm nhập của hàng hoá công nghiệp.
Hà Nội bây giờ đã khác xưa nhiều, chợ mọc lên từng ngày, từng giờ. Người Hà Nội đã quen với nhiều loại hình chợ mới… và chợ phiên Hà Nội ngày nay cũng đã đổi thay nhiều. Hàng hóa tại các phiên chợ cũng phong phú, đa dạng hơn. Những dãy lều quán, mái lá lụp xụp giờ đây đã được xây dựng lại khang trang hơn. Và đó là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hoá.
Đa số những đô thị Việt Nam xưa kia chủ yếu là trung tâm hành chính - văn hoá chứ không phải là đô thị kinh tế - hành chính - văn hoá như hiện nay. Trước đây, cả chợ Mơ và chợ Bưởi đều thuộc vùng ngoại ô thành phố và gắn liền với cuộc sống của cư dân lúa nước. Và cho đến ngày nay, khi địa giới hành chính đã có sự thay đổi hoàn toàn thì những ngôi chợ này không chỉ còn mục đích phục vụ riêng cho nhu cầu của những người làm nông nghiệp nữa... đó là quy luật tất yếu. Và có lẽ, khi cuộc sống phát triển hiện đại hơn, không chỉ chợ phiên mà nhiều nét đẹp văn hoá khác của Hà Nội nếu không có những giải pháp bảo tồn và lưu giữ cũng sẽ bị mai một.