Đường nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ. (Ảnh: Infonet)
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì niên vụ 2011-2012, sản lượng đường của cả nước đạt trên 1 triệu 300.000 tấn, cao hơn niên vụ trước. Tuy nhiên, những nghịch lý tồn tại từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đó là việc tranh mua, tranh bán vẫn diễn ra tại các vùng nguyên liệu lớn. Cùng với đó là nhiều vấn đề khác, như sự hợp tác lỏng lẻo giữa nhà máy đường và người trồng mía, chưa có được hợp đồng dài hạn bền vững. Có nhà máy luôn tồn tại 2 giá thu mua: Vùng của nhà máy thì mua một giá thấp, còn vùng ngoài nhà máy thì mua giá cao để có nguyên liệu.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến NLTS và Nghề muối cho biết: “Do một số nhà máy mở rộng đầu tư nên vào vụ muộn, không có sân bãi. Điều này đã được chấn chỉnh, kiểm điểm nghiêm túc”.
Trong khi năng suất, chất lượng mía của Việt Nam mới chỉ bằng 1/2 của một số nước khác, sức ép về giá bán đường luôn đè nặng lên các doanh nghiệp thì vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay chính là việc đường ngoại vẫn nhập lậu về Việt Nam một cách ồ ạt, chưa kiểm soát được.
Trong khi đường trong nước còn tồn kho tới 200.000 tấn thì đường nhập lậu lại tới 300.000 tấn. Điều này làm cho việc tiêu thụ đường trong nước gặp khó khăn về giá và tiêu thụ chậm, ảnh hưởng đến phát triển chung của ngành mía đường.
Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường, đường nhập lậu chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá bán đường năm nay thấp hơn năm ngoái từ 1.500 đến 2.000 đồng/1kg mặc dù lượng tồn kho lại ít hơn năm ngoái.
“Cách xử lí thị trường lỏng lẻo. Chúng ta chỉ lo nhập 70.000 tấn đường theo WTO mà không chặn được hàng trăm tấn đường lậu. Tôi cho đây là kẻ hở lớn trong khâu quản lý thị trường hiện nay”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam phân tích.
Tại cuộc họp báo mới đây về điều hành XNK đường, Bộ Công thương nhìn nhận có hiện tượng đường nhập lậu tiểu ngạch qua biên giới và rất khó kiểm soát. Và với mỗi kg đường thẩm lậu qua biên giới, chúng ta mất đi từ 1.800đ – 2.000đ tiền thuế.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ “phải tính đến việc tăng cường phối hợp với 127. Nhưng về lâu dài sẽ phải là câu chuyện tính toán sao đó cho giá đường trong nước không quá chênh lệch với giá thế giới và trong khu vực. Kiểm soát bằng cung cầu kinh tế mới là cách kiểm soát hiệu quả”.
Còn theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp thích nhập khẩu đường vì đường của các nước trong khu vực chất lượng cao hơn, lại rẻ hơn vì họ có chính sách hỗ trợ ngành mía hợp lý hơn. Vì vậy, nếu muốn ngăn chặn được đường nhập lậu, ngành mía đường của ta chỉ có cách là phải tự mình vượt lên.
Theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, không thể dùng biện pháp hành chính để thay thế cho quyết định hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng theo nhận định của các Bộ, ngành, kể từ năm 2013 trở đi, Việt Nam sẽ thừa đường và bắt buộc phải tính đến chiến lược xuất khẩu dài hạn. Nhưng trước mắt, chúng ta vẫn sẽ phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch do đường VN chưa đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Ở một khía cạnh khác, Bộ Công thương khẳng định, việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết WTO vẫn sẽ bắt buộc phải làm chứ chưa thực hiện đấu thầu công khai nhằm bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.