Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể về đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. Phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các tỉnh, thành và 100 doanh nghiệp.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài nói chuyện với Bộ Ngoại giao trong năm nay nhưng hội nghị này có tất cả các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam trên toàn thế giới. Theo Thủ tướng, đây là những người đang dệt nên sợi dây kết nối tình hữu nghị và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Đánh giá cao các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã cảm nhận trực tiếp hơi thở của thời đại, nhịp đập của địa bàn để có đóng góp thực chất cho đất nước, Thủ tướng nhận xét, nhiều nhà ngoại giao luôn trăn trở, lo lắng cho đất nước và từ đó có đóng góp tốt cho Tổ quốc. Nhờ đó, Việt Nam đang tạo được sự đan xen lợi ích giữa các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; đồng thời đan xen được lợi ích giữa kinh tế với chính trị và an ninh nên giúp hóa giải nhiều vướng mắc trong các quan hệ. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động can dự, thúc đẩy được điểm đồng lợi ích với các đối tác, đi cùng với giảm bất đồng, nhất là trong bối cảnh các nước lớn điều chỉnh mạnh về chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chia sẻ, chỉ còn 2,5 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ, trong khi đó, Chính phủ đang có một núi công việc ở phía trước. Vì thế, ngành ngoại giao phải góp phần giải quyết núi công việc ấy, một trong những nhiệm vụ và trọng trách nặng nề nhất là phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" (kiên định về nguyên tắc và mềm dẻo về sách lược).
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động rất nhanh chóng và có nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng đề nghị, ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động trong dự báo chiến lược và sáng tạo hiệu quả, mà sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược. Do đó, ngành ngoại giao phải thích ứng được với tình hình mới, không sa vào lối mòn và sẵn sàng đổi mới tư duy để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp mới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định khi thực tiễn có biến đổi, chưa có tiền lệ, Chính phủ sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ của Bộ Ngoại giao bởi đây là bộ thường xuyên có nhiều báo cáo có chất lượng, gần đây nhất là báo cáo về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp Đảng và Chính phủ hình thành chủ trương chính sách.
Cùng với kiến tạo phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ngành ngoại giao cần phát huy tinh thần hành động, phục vụ cho phát triển; phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia và đối tác, trở thành các cơ hội hợp tác, cũng như lợi ích kinh tế. Đây cũng chính là tạo nên thế đan xen lợi ích, trong đó, công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Hoạt động của các đại sứ quán không chỉ phục vụ Đảng và Nhà nước mà còn phục vụ các địa phương, các doanh nghiệp để phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nâng tầm ngoại giao kinh tế và ngoại giao kinh tế phải là chính. Bên cạnh đó, các đại sứ cũng cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp và vận động kiều bào ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, nhất là phân phối hàng hóa của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngoại giao phải song hành với các bộ và địa phương để đô đốc và tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các thỏa thuận ký với đối tác nước ngoài nhằm khắc phục tình trạng ký nhiều làm ít hoặc đi nước ngoài thì nói dữ dằn về nhà bận việc, quên mất. Để thực hiện được tất cả các nhiệm vụ này, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao phải là một anten rất nhạy cảm để thu hút người tài và người có đầu óc khoa học vào Việt Nam, nhất là những Việt Kiều tài năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!