Ngành than Việt Nam gặp khó

Đặng Tú-Thứ năm, ngày 23/08/2012 07:00 GMT+7

Cách đây hơn một năm, ngành than đã báo cáo về tình trạng thiếu hụt lượng than cung cấp, nhưng thời điểm này lại rơi vào tình trạng tồn kho trên 9 triệu tấn. Tái cơ cấu ngành than, tìm khách hàng mới là giải pháp được tính đến, nhưng không hề dễ dàng.

Một cảng than của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: QĐND
Trên thực tế, sự phát triển ngành than phụ thuộc vào nhiều ngành sản xuất khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần đặt vào tổng quan chung của nhiều ngành trong nền kinh tế đất nước.
“Lượng than tồn ở bãi khoảng 2 tháng nay, khả năng tiêu thụ khó khăn vì các hộ trong nước cũng khó khăn và xuất khẩu cũng giảm”, ông Võ Khắc Nghiêm, Phó GĐ công ty kho vận Đá Bạc, Vinacomin nói.
Than thành phẩm không tiêu thụ được khiến hàng loạt đơn vị khai thác của tập đoàn cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, nhiều đơn vị đã buộc phải tiết giảm sản xuất, đưa mức khai thác về tối thiểu để đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Nếu như dừng sản xuất thì ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, vì thế đơn vị đã tìm mọi biện pháp tối thiểu nhất để đảm bảo thu nhập bằng năm trước”, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc công ty Than Nam Mẫu, Vinacomin chia sẻ.
Hiện các DNNN tập trung chủ yếu ở 96 tập đoàn kinh tế và tổng công ty và một số DN độc lập với tổng tài sản khoảng 1.760.000 tỷ đồng, lợi nhuận 117.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 34% GDP của cả nước. Tổng tài sản tăng song số nợ phải trả của các DNNN cũng tỷ lệ thuận với khoảng 1.044.292 tỷ đồng, bình quân bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, từ 1.300 doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này sẽ đủ mạnh để cạnh tranh và trở thành lực lượng quan trọng góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
Theo đại diện Tập đoàn Than, năm nay khó mà có lợi nhuận và có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn nếu như tập đoàn không được vận hành theo cơ chế thị trường. Bởi phần lớn than hiện tiêu thụ cho ngành điện, nhưng giá bán lại đang ở dưới giá thành. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu vẫn áp dụng bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước thì khó có thể đưa các doanh nghiệp này theo hướng thị trường.
“Chúng ta buộc phải thực hiện theo cơ chế rõ ràng và đó là thị trường, trên cơ sở đó giá sẽ được xác định rõ ràng và trên cung cầu giữa các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích.
Tính đến nay, đã có 7 tập đoàn, tổng công ty trình đề án tái cơ cấu lên chính phủ, khoảng 40 doanh nghiệp đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo, 15 doanh nghiệp đang xây dựng. Theo lịch trình, hạn cuối cùng là trong quý III năm nay, các tập đoàn, tổng công ty phải trình phương án tái cơ cấu lên chính phủ xem xét.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước