Đây là lần đầu tiên đã có một khung pháp lý cho mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải, lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Nghị định mới đã thống nhất cách thức quản lý các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, trong đó có mô hình kinh doanh của Grab.
Nghị định 10 đã định nghĩa lại khái niệm kinh doanh vận tải. Nếu như Nghị định 86 cũ quy định phải thực hiện cả quá trình, giờ chỉ cần thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như: trực tiếp điều hành xe, tài xế hoặc quyết định giá cước sẽ là kinh doanh vận tải.
Một điểm từng gây tranh cãi nhiều nhất cũng đã có câu trả lời trong Nghị định 10. Đó là đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa như mô hình của Grab, Be hay Fastgo sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Taxi truyền thống được lựa chọn đeo mào hoặc dán chữ "xe taxi" ở kính trước. Còn xe hợp đồng điện tử như: Grab, Be hay Fastgo sẽ không phải đeo mào mà sẽ buộc phải dán chữ "xe hợp đồng" ở kính trước.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Nghị định 10 mới chỉ gọi tên đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối, không chính thức thừa nhận mô hình kinh doanh nền tảng. Điều này được cho là chưa thể hiện rõ vai trò khuyến khích cái mới, sự sáng tạo. Tuy nhiên, nếu chiếu theo Nghị định mới, những đơn vị như Grab, Be hay Fastgo sẽ phải tuân thủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Việc này đã thể hiện quan điểm của Chính phủ là nói không với tư duy "không quản được thì cấm", nhất quán với chủ trương quyết liệt phát triển kinh tế số ở cấp cao nhất.
Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, quy định của Nghị định mới đã giúp gọi tên rõ ràng mô hình hoạt động của Grab. Nguyên nhân là do trước đây, Grab luôn cho mình chỉ là đơn vị kết nối, nay theo Nghị định mới, đơn vị này có hoạt động vận tải và phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải như những gì mà các hãng taxi truyền thống đang phải chịu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định mới đã có nhưng Bộ GTVT cần sớm ban hành những thông tư hướng dẫn để chi tiết hóa các nội dung về điều kiện kinh doanh vận tải. Có như vậy mới có thể tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp. Trên thực tế, hiện nay chỉ riêng về thuế, doanh nghiệp vận tải đang phải chịu 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi Grab chỉ phải chịu thuế suất 3% doanh thu.
Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 10 được xem là động thái tiếp tục hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số. Cuối năm 2019, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh phải coi việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá và Quyết định 999 của Thủ tướng cũng là cơ sở cho sự phát triển cho mô hình kinh tế chia sẻ. Nghị định 10 sẽ là bản tham chiếu cho các khuôn khổ pháp lý đối với những mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!