Khoảng 35% thành phân hữu cơ, 5% thành hạt nhựa, số còn lại được đốt thành tro xỉ và biến thành gạch. Đây là những sản phẩm được tái chế từ rác thải sinh hoạt. Một doanh nghiệp đang đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ cho biết, với mức giá trần từ 350 đến 410 nghìn xử lý 1 tấn rác, theo quy định hiện nay thì lợi nhuận mang lại rất đáng để đầu tư. Một mảnh đất rất màu mỡ mà không phải muốn là được. Tuy nhiên rất khó để thuyết phục một nhà đầu tư công khai đưa ra ý kiến này.
Hà Nội hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp đang xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, tuy nhiên lại đang hoạt động cầm chừng bởi khí và nước thải ra sau khi xử lý chưa được triệt để. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp dự kiến có thể khởi công xây dựng nhà máy trong một vài tháng tới. Vì nhiều lý do, các nhà đầu tư này được lựa chọn không qua đấu thầu.
Nhiều chuyên gia khẳng định, rác là tiền, thậm chí rất nhiều tiền nên không phải vì đơn giá thấp không có nhà đầu tư mà vấn đề là nhà đầu tư phải làm cách nào để có được rác. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có điều gì chưa rõ ràng trong những cơ chế liên quan tới xử lý rác.
Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Các địa phương phải tổ chức đấu thầu xử lý rác thải.
Dự kiến theo công suất trên giấy tờ của 3 nhà đầu tư đã được cấp chứng nhận đầu tư cùng với 2 doanh nghiệp đang hoạt động, rác ở Hà Nội có thể được xử lý hết. Tuy nhiên chưa biết đến lúc nào các nhà máy này mới đi vào hoạt động đủ và hoạt động được hết công suất. Trong khi các bãi chôn lấp rác của Hà Nội thì tối đa chỉ có thể chịu đựng được đến năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!