Ông Xủn-Thon Khăn-tha-vông, Phó Tổng Giám đốc TTX Lào (ngoài cùng bên trái) tại khu đất xây Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh (Ảnh: Tintucvn)
Trong khoảng những năm 1928 - 1929, Nguyễn Ái Quốc đã từng đến làng Xiêng Vang, huyện Noỏng Buốc tỉnh Khăm Muồn của nước bạn Lào để nghiên cứu tình hình và tuyên truyền cách mạng. Kể từ đó, làng Xiêng Vang đã trở thành một trong những cái nôi của cách mạng Lào. Với ý nghĩa như vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định xây dựng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính ngôi làng này. Ngay khi biết chủ chương, 13 hộ dân của bản Xiêng Vang đã tự nguyện hiến mảnh đất của gia đình mình để xây dựng công trình vô cùng có ý nghĩa này.
Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Xiêng Vang có tổng diện tích là 1,5 héc ta. Khu lưu niệm được xây dựng với sự kết hợp cả 2 kiến trúc Lào và Việt. Toàn bộ công trình bao gồm 15 hạng mục, trong đó các bạn Lào đảm nhận 12 hạng mục và Việt Nam đảm nhận 3 hạng mục. Không gian bên ngoài sẽ có ao cá, vườn cây, giống cá, giống cây được mạng từ khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội sang, trồng xen kẽ với một số giống cây tiêu biểu ở các địa phương của Lào.
Ông Su-văn-đi-sỉ-sa-vắt, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bảo tàng Kaysỏm Phômvihẳn và Bảo tàng Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ xây dựng công trình quan trọng này cho biết: “Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính Trị, chúng tôi đã tới làng Xiêng Vang để nói về chủ chương này cho dân làng. Rất xúc động là toàn bộ dân làng rất phấn khởi, 13 hộ gia đình đã tự nguyện hiến phần đất của gia đình mình để xây dựng khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì”.
Cũng theo ông Su-văn-đi-sỉ-sa-vắt, “đây là khu đất đẹp nhất của ngôi làng và đặc biệt, đây chính là nơi mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở để tuyên truyền cách mạng”.
Làng Xiêng Vang là ngôi làng của người Lào gốc Việt. Các thế hệ người dân trong làng đã một lòng đi theo cách mạng. Rất nhiều gia đình và cá nhân trong làng đã được nhận huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của 2 nhà nước Việt Nam và Lào. Vì thế, việc hiến đất để xây khu tưởng niệm được mọi người ủng hộ rất nhiệt thành. Lý do rất đơn giản, giống như bà Trần Thị Sự, 85 tuổi ở làng chia sẻ, “Tình cảm với Bác như cha với con vậy. Có Bác thì cuộc sống mới sung sướng lên chứ không thì cũng cực khổ lắm”.
Được biết, khu lưu niệm hoàn thành sẽ là nơi để mọi người tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tình cảm của Bác đối với cách mạng Lào và nhân dân các dân tộc Lào và ngược lại là tình cảm của nhân dân các dân tộc Lào đối với Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt đây cũng là nơi để lưu giữ tuyên truyền giáo dục truyền thống về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào mà chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Kay-sỏm Phôm-vi-hẳn, chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, củng cố và phát triển ngày càng đơm hoa kết trái.