Nhập khẩu than và vấn đề an ninh năng lượng

Đặng Tú-Thứ năm, ngày 07/07/2011 08:05 GMT+7

Cách đây 3 năm, Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) đã cảnh báo về khả năng phải nhập khẩu than. Khi đó, dự báo phải đến năm 2015, thậm chí 2020 mới phải nhập khẩu than. Thế nhưng, ngay quý 2/2011, TKV đã phải nhập 9.500 tấn và vẫn tiếp tục xuất khẩu.

Nhiều lý do cũng đã được Tập đoàn than đưa ra như nhu cầu than trong nước tăng mạnh, khai thác khó khăn hơn và đảm bảo tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại nhìn nhận ở góc cạnh khác, đó là cấu trúc lại việc khai thác của ngành than và sử dụng nguồn tài nguyên này với các đơn vị sản xuất trong nước.

9.500 tấn than từ Indonesia cập cảng Cát Lái mở đầu cho việc nhập khẩu than. Tập đoàn than cho rằng, việc nhập khẩu nhằm phục vụ các nhà máy nhiệt điện, đồng thời giải quyết việc thiếu hụt về nguồn cung trong nước. Tập đoàn than cũng khẳng định, sẽ tiếp tục nhập khẩu than trong thời gian tới.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng GĐ TKV cho biết: “Việc nhập khẩu than lần này mặc dù không lớn, nhưng có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục nhập khẩu thêm và đưa việc sử dụng than trong nước theo hướng vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu.

Theo kế hoạch năm 2011, Tập đoàn than sẽ khai thác 44 triệu tấn và xuất khẩu 16 triệu tấn. Việc nhập khẩu tiếp tục 6 triệu tấn than vào năm 2015 và lên tới 60 triệu tấn vào năm 2020, trên góc độ kinh tế nhiều chuyên gia cho rằng, việc một ngành vừa duy trì việc nhập và xuất khẩu cũng không khó hiểu, vấn đề là việc đưa dần sự phát triển ngành theo hướng thị trường.

Ông Võ Trí Thành, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: “Chúng ta đã duy trì quá lâu việc nhà nước kiểm soát giá, như ngành than cho điện, xi măng mà theo tôi nên đẩy nhanh việc tiếp cận giá thị trường”.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ biên Báo cáo thường niên về Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2011: “Điều tiết lại mức giá than và khi đó giá nhập và xuất than sẽ gần bằng nhau. Các doanh nghiệp trong nước sẽ sử dụng tiết kiệm hơn và như thế sẽ giảm bớt lượng than tiêu thụ, giảm lượng than nhập khẩu”.

Ngay từ những năm 90 thế kỷ trước, Tập đoàn than đã tính tới trữ lượng than ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Và Bể than sông Hồng một thời được đánh giá là cứu cánh cho ngành than. Bởi theo tính toán của Tập đoàn than, trữ lượng than ở khu vực này ước tính 60 tỷ tấn, gấp 30 lần vùng Quảng Ninh. Tuy nhiên, hiện tiến độ lại chậm nhiều so với dự kiến.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng: “So với quyết định 89 của chính phủ việc khai thác chậm hơn 15 năm và hy vọng đến năm 2025 mới có thể kết luận được việc khai thác than theo hướng công nghiệp”.

Rõ ràng việc thiếu nguồn than đã được Tập đoàn than nhìn thấy trước, việc nhập khẩu có thể sẽ giải quyết được những thiếu hụt than trong nước nhưng lại không tạo tính ổn định, cũng như việc đảm bảo an ninh năng lượng trong nước. Không những thế, việc nhập khẩu than của Tập đoàn than sẽ kém ưu thế hơn, bởi lẽ hiện tại ngành than mới chỉ đi vào việc mua than, trong khi đó các nước khác đã tiến tới mua quyền khai thác mỏ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước