Hiện nay, các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được nhiều người sử dụng. Thời gian đầu, phần lớn các sản phẩm này đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng thời gian gần đây, các sản phẩm sản xuất trong nước xuất hiện ngày càng nhiều và dần chiếm ưu thế với 65 - 70% thực phẩm chức năng trên thị trường.
Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã đưa ra lời cảnh báo mặc dù số lượng sản phẩm trong nước được sản xuất và bán ra thị trường dần tăng cao nhưng do số lượng không đi cùng chất lượng đã gây nên tình trạng khó kiểm soát, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê của Cục ATTP, cả nước hiện có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm chức năng. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ có một phòng tại khu tập thể, lắp điều hòa, trang bị vài máy dập viên, máy nghiền cũng là cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thậm chí nhân lực tham gia sản xuất còn không có chút kiến thức chuyên ngành nào... nhưng vẫn tiến hành sản xuất ồ ạt và sản phẩm được quảng cáo với những công dụng tốt cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, với điều kiện sản xuất như vậy, chất lượng thực phẩm chức năng chắc chắn không bảo đảm, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện tượng này còn có thể gây ra tình trạng mất công bằng trong hoạt động thương mại giữa các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.
Trước thực trạng đó, Nghị định 15/2018/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP đã quy định, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) thì mới được tiếp tục sản xuất, nếu không sẽ phải đóng cửa. Cục ATTP cho biết, hiện nay số cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP chỉ khoảng hơn 200 cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!