Lợi dụng tâm lý muốn làm đẹp một cách nhanh chóng của người tiêu dùng, nhất là chị em phụ nữ, thời gian gần đây tình trạng sản xuất, kinh doanh các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, làm giả, làm nhái các thương hiệu có tiếng để lưu thông có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường dùng mạng xã hội để quảng cáo "thổi phồng" về chất lượng sản phẩm, lập các trang web mạo danh thương hiệu nhằm bán hàng nhái; hay thậm chí, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của phụ nữ nông thôn để tuồn các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng vào thị trường này.
Con số hàng trăm vụ việc mỹ phẩm giả bị phát hiện mỗi năm, dường như không làm giảm bớt sự nhập nhằng trên thị trường mỹ phẩm. Càng đáng lo ngại hơn, giữa lúc mỹ phẩm kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường thì người sử dụng vẫn chưa có cách gì để bảo vệ mình trước những tai hại có thể xảy ra từ mỹ phẩm.
Không chỉ mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm chức năng tác dụng tăng - giảm cân hiện đang được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với nhiều chủng loại và được quảng cáo thái quá về tác dụng thay đổi cân nặng một cách thần tốc. Không ít chị em phụ nữ vì tâm lý muốn giữ dáng mà tin vào những quảng cáo này rồi lãnh hậu quả.
Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin cảnh báo về các website đang quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo. Đây là những khuyến cáo cần thiết để người tiêu dùng cân nhắc và tỉnh táo khi lựa chọn mua các sản phẩm phục vụ sức khỏe và làm đẹp trên các trang mạng.