Nhiều di tích văn hoá - lịch sử xuống cấp nghiêm trọng

Công Dũng-Chủ nhật, ngày 14/08/2011 21:45 GMT+7

Hiện nay, tại Quảng Nam nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa đang bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng như đình Hiền Lộc, Phật viện Đồng Dương ở Thăng Bình, Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi ở huyện Duy Xuyên… Do nhiều nguyên nhân, hiện các di tích này vẫn chưa được phục dựng, trùng tu kịp thời.

Đình Hiền Lộc nằm tại thôn 1, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình được UBND tỉnh Quảng Nam cấp bằng công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2005. Do thời gian mưa nắng và trải qua các cuộc chiến tranh nên trước đây di tích đã bị xuống cấp, hư hại. Gần đây do ảnh hưởng của mưa bão, di tích đã sập đổ hoàn toàn và trở thành một đống đổ nát.

Tại huyện Thăng Bình, một số di tích khác cũng đang bị hư hại và xuống cấp như: Phật viện Đồng Dương, Lăng Bà Chợ Được, mộ cụ Tiểu La… Riêng Phật Viện Đồng Dương là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng hiện nay chỉ là đống gạch vụn, hoang tàn nằm giữa rừng cây âm u. Biết bao giờ Phật viện cổ xưa lớn nhất khu vực Đông Nam Á này mới được tôn tạo, dù tỉnh Quảng Nam hiện đang loay hoay tìm giải pháp khôi phục.

Ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết: "Vấn đề này Sở cũng đã quan tâm và đã có kế hoạch sẽ tổ chức hội thảo trong tháng 8 và sắp tới huyện sẽ làm việc với Sở để chuẩn bị. Qua hội thảo này sẽ tìm cách trùng tu hay làm thế nào đó để tôn tạo Phật viện Đồng Dương".

Huyện Thăng Bình có 4 di tích cấp tỉnh được tỉnh Quảng Nam phê duyệt đề án tu bổ cấp thiết giai đoạn 2011-2020; trong đó đình Hiền Lộc sẽ đầu tư 600 triệu đồng và mộ cụ Tiểu La là 300 triệu đồng. Thế nhưng theo tính toán, để phục dựng đình Hiền Lộc phải mất hơn 4 tỷ đồng và trùng tu mộ cụ Tiểu La phải cần kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Đội - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình, Quảng Nam phát biểu: "Nguồn kinh phí để trùng tu là rất lớn, trong khi địa phương còn rất khó khăn. Tuy có tập trung đó nhưng chủ trương của huyện là đầu tư từng bước, chứ không thể dàn trải. Ví dụ năm nay mộ cụ Tiểu La, sang năm đình Hiền Lộc và tiếp tục Lăng bà Chợ Được nữa. Chủ trương của huyện là tập trung một di tích để trùng tu cho bài bản; sau đó sẽ làm từng di tích một".

Một thực tế là bộ mặt xã hội nói chung đang ngày một hiện đại hơn, tiện nghi hơn, song các di tích lịch sử nằm ẩn khuất đây đó ở các vùng nông thôn lại mỗi ngày mộṭ xuống cấp, hoang phế... Đó là vấn đề nóng đang đặt ra đối với tỉnh Quảng Nam - nơi có nhiều di tích văn hoá lịch sử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước