KCN của công ty cổ phần Đại An - Hải Dương mới chỉ được lấp đầy hơn 1/3 diện trên tổng số trên 640 ha đã được phê duyệt. Ảnh: khudothimoi
Tuy nằm ở tâm điểm của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, nhưng KCN của công ty cổ phần Đại An - Hải Dương cũng mới chỉ được lấp đầy hơn 1/3 diện trên tổng số trên 640 ha đã được phê duyệt. Dù có hạ tầng tốt và là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng thời gian qua, tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN của tỉnh Hải Dương cũng giảm hẳn. Trong khi đó, nhiều tỉnh tuy điều kiện thu hút đầu tư kém nhưng vẫn phát triển tràn lan các khu công nghiệp dẫn tới nhiều diện tích bị bỏ hoang.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần Đại An - Hải Dương cho rằng: “Phải xem xét lại tổng thể, cái nào phù hợp thì cho thực hiện, cái nào không phù hợp cần mạnh dạn xóa bỏ. Việc không làm qui hoạch vùng ngay từ đầu nó đã phá vỡ hoàn toàn tổng thể về chiến lược cả nước chứ không phải 1 tỉnh. Hiện mạnh tỉnh nào tỉnh ấy cứ duyệt qui hoạch làm công nghiệp nên tỉnh nào cũng làm cần phải định hướng lại”.
Phát triển KCN cần có chiến lược, quy hoạch cụ thể, nhưng công tác quy hoạch lại chưa có tầm nhìn dài hạn và chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch KCN chủ yếu dựa trên đề xuất của địa phương hoặc theo đề xuất của nhà đầu tư.
Theo ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban quản lý KCN tỉnh Hải Dương: “Khi các bộ ngành trình lên Thủ tướng để làm qui hoạch thì phải định hướng mỗi địa phương cần bao nhiêu KCN là vừa, chứ còn hiện tỉnh nào cũng phát triển KCN. Tôi thấy một số tỉnh không thu hút được đầu tư, gây hậu quả về sử dụng đất và lãng phí”.
Một vấn đề nữa là hiện tại, các tỉnh và chủ đầu tư khi phát triển kết cấu hạ tầng KCN vẫn chú trọng thu hút đầu tư lấp đầy KCN, chưa thực sự quan tâm tới cơ cấu ngành nghề và các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đầu tư KCN không thể làm tràn lan và cần thiết phải có qui hoạch vùng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa 13 nhìn nhận: “Hà Nội nên phát triển Khu công nghệ cao, điều đó sẽ tạo đầu ra cho lao động có chất lượng cao và cũng hỗ trợ cho các địa phương khác. Bởi vì dòng đầu tư vào các ngành nghề bình thường sẽ dịch chuyển từ HN về các địa phương khác và là cơ hội để các địa phương này thu hút đầu tư vào những KCN”.
Thực tế cho thấy, nhiều diện tích bị bỏ hoang không chỉ khiến nông dân mất đất sản xuất, mà còn tồn đọng một lượng vốn lớn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làm lãng phí nguồn vốn đầu tư của xã hội. Rõ ràng rất cần có sự điều chỉnh lại qui hoạch phát triển các KCN để mô hình này phát huy hiệu quả tích cực của nó.
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Quốc hội khóa 8 phê duyệt, tổng diện tích đất KCN đến năm 2015 là 130.000 ha và đến năm 2020 dự kiến là 200.000 ha. Để phát huy hiệu quả của các KCN này cần có một qui hoạch tổng thể và khoa học chứ không thể phát triển một cách ồ ạt như thời gian qua.