Xã hội hóa các hoạt động y tế trong đó có trang thiết bị y tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp các bệnh viện có hệ thống máy móc hiện đại nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Tại Trung tâm y tế huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, khu vực chủ yếu đồng bào dân tộc Mường sinh sống, máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy xét nghiệm huyết học được đặt tại đây từ năm 2013 theo đề án liên doanh, liên kết của bệnh viện với một cửa hàng thiết bị y tế tại Hà Nội. Trong 5 năm đầu của hợp đồng, sau khi đã trừ đi các chi phí đầu vào, đơn vị đặt máy hưởng 65% doanh thu, bệnh viện 35% doanh thu. Sau đó, bệnh viện và đơn vị đặt máy thỏa thuận lại tỷ lệ phân chia lãi, hiện tỷ lệ là 50%-50%.
Còn tại Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Trung ương Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày có 100 bệnh nhân đến đây chạy thận. Đề án hợp tác thuê máy chạy thận nhân tạo chu kỳ được thực hiện từ năm 2012 với 20 máy. Bệnh viện trả công ty đặt máy 100.000 đồng/lần lọc thận. Sau khi hợp tác 5 năm hoặc 4.000 ca lọc thận/máy, máy chạy thận sẽ thuộc về bệnh viện.
Trong hợp đồng, công ty cho thuê máy cung cấp toàn bộ vật tư tiêu hao với giá cả cạnh tranh trong suốt quá trình hợp tác đặt hệ thống máy chạy thận nhân tạo.
Theo thông tin của một bệnh viện tại Hà Nội, 95% thiết bị y tế là xã hội hóa.. Nhiều bệnh viện khác cũng tương tự.
Báo cáo việc lắp đặt máy móc, thiết bị xã hội hóa của các địa phương gửi về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tại nhiều bệnh viện, một tỷ lệ lớn các thiết bị y tế được các công ty cho bệnh viện mượn theo hình thức bán hóa chất, mượn máy. Hầu hết các máy móc xã hội hóa đều sử dụng hóa chất đi kèm với máy đó. Theo khuyến cáo của hãng máy, nếu không, máy sẽ không hoạt động hoặc không ra kết quả xét nghiệm chính xác.
Đó là thực trạng rất phổ biến tại các bệnh viện để có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về trang thiết bị y tế phục vụ và nâng cao việc khám chữa bệnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!