Với tâm lý sợ mất thời gian, thủ tục rườm rà, nhiều người người tiêu dùng Việt Nam bị hại thay vì lựa chọn đi trình báo tại những cơ quan chức năng đã tìm đến các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, hội đành bất lực đối với những trường hợp như vậy. Là một tổ chức xã hội nên khả năng giải quyết của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn bị hạn chế.
Với các cơ quan chức năng như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, việc giải quyết những trường hợp đơn lẻ bị lừa đảo với số tiền nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng trên Facebook cũng hết sức nan giải bởi lực lượng này còn quá mỏng so với hàng chục triệu người đang sử dụng Facebook ở nước ta.
Ngoài những phức tạp kể trên, việc Facebook không có đại diện tại Việt Nam đã dẫn đến sự khó khăn trong phối hợp cung cấp thông tin về các chủ tài khoản lừa đảo. Đây là quan điểm được thể hiện rõ trong công văn do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương phản hồi cho nhóm phóng viên VTV9. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết chỉ có thể thường xuyên chủ động khuyến cáo trên trang web của Cục về các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trên Facebook.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!