Nhiều nội dung quan trọng đưa ra ở SOM ASEAN +3

Thạch Thông-Hương Linh-Minh Đầy-Thứ tư, ngày 11/07/2012 09:00 GMT+7

Hội nghị SOM ASEAN +3 đã có nhiều quyết định quan trọng về tiến trình hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời đưa ra quan ngại về vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tại Hội nghị (Nguồn: Asean2012)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, các bộ trưởng đã đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN+3 trên tất cả các lĩnh vực. Các bộ trưởng cho rằng, tiến trình ASEAN+3 đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có thể coi là một trong các cơ chế hợp tác năng động và hiệu quả nhất trong thúc đẩy hợp tác và liên kết ở Đông Á.
Các Bộ trưởng nhất trí việc tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á và Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017.
Tại Hội nghị, các bộ trưởng hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tăng ngân sách cho việc thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiengmai từ 120 tỉ USD lên 240 tỉ USD, đề nghị sớm triển khai Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 ký tháng 10/2011, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, bảo đảm thực hiện đúng lộ trình các hiệp định thương mại giữa ASEAN với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh kiểm điểm và định hướng hợp tác, Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm cũng như các thách thức đang nổi lên.
Hội nghị ASEAN + 3 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Các bộ trưởng kêu gọi các bên liên quan cần tận dụng mọi nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo triều tiên bằng biện pháp hòa bình.
Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).
Có mặt tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh bày tỏ quan ngại và những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, khẳng định lại lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Thứ trưởng nhấn mạnh lại các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ 1982, và tinh thần DOC.
Hôm qua cũng là ngày chứng kiến nhiều hoạt động bên lề sôi động của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa các nước tiểu vùng Mekong gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các Hội nghị này đã rà soát lại tình hình triển khai và thảo luận về định hướng của các hoạt động hợp tác tương lai.
Các Hội nghị đề cập những trụ cột hợp tác chính gồm, Tăng cường kết nối khu vực Mekong, Cùng nhau phát triển (hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch..) và Bảo đảm an ninh con người và môi trường. Hội nghị nhấn mạnh quản lý và sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mekong, khẳng định hợp tác hiệu quả, thực chất giữa các nước về quản lý nguồn nước là một trong những điều kiện căn bản cho sự thành công của "Một thập kỷ Mekong xanh”.
Dư luận dành sự quan tâm đặc biệt cho các cuộc đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc, dự kiến vấn đề biển Đông sẽ được đề cập chính.
Cuộc đối thoại giữa ASEAN và EU diễn ra cùng ngày cũng được quan tâm, vì ASEAN và EU dự định sẽ ký hiệp định để EU gia nhập Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN.
Cuộc đối thoại ASEAN và Mỹ vào hôm nay với sự đồng chủ trì của Philipin và Mỹ cũng là một hoạt động đáng chú ý.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước