Những thai nhi ngộ độc do mẹ dùng ma túy

Minh Đức-Thứ hai, ngày 01/07/2019 17:52 GMT+7

VTV.vn - Việc thai phụ dùng ma túy thường xuyên trong thời kỳ mang thai sẽ khiến bào thai bị ngộ độc từ trong bụng mẹ, gây nên những tổn thương lâu dài về thể chất, tâm lý sau sinh

Phần lớn mọi người đều nghĩ chỉ có những người trưởng thành hoặc độ tuổi vị thành niên mới có khả năng bị ảnh hưởng bởi ma túy, nhưng thực tế việc ngộ độc ma túy cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc chính thai nhi trong bụng mẹ. Khi người mẹ sử dụng ma túy trong thời gian mang thai, không chỉ gây ra những bệnh lý nguy hiểm trong quá trình thai nghén mà còn mang đến những tổn thương lâu dài, tổn thương thể lực khiến trẻ chậm phát triển, tổn thương tâm lý...

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, nếu thai phụ sử dụng ma túy trong quá trình mang thai có thể gây nên ngộ độc ma túy bào thai, là ngộ độc thụ động do người mẹ sử dụng các chất gây nghiện trong thời gian thai kỳ, biểu hiện hội chứng ngưng thuốc ở trẻ sơ sinh sau khi sinh.

Bác sĩ lý giải, trong thời kỳ mang thai, trẻ sơ sinh được cung cấp dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai, do đó trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc và hóa chất người mẹ dùng trong thời kỳ mang thai. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc có khả năng gây nghiện như thuốc giảm đau morphin, thuốc an thần,... và đặc biệt dễ ngộ độc nếu người mẹ dùng các chất gây nghiện như ma túy và rượu.

Ảnh hưởng nguy hiểm nhất từ ma túy phải kể đến thay đổi chức năng các cơ quan trong cơ thể trẻ. Vì hệ cơ quan của trẻ có cấu trúc non yêu hơn nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, bài tiết các chất độc trong cơ thể sẽ yếu hơn hẳn người bình thường. Sự hấp thu ở trẻ sẽ bị chậm, gây nên tình trạng tích lũy độc trong cơ thể gây ngộ độc. Khả năng kiềm chế chất độc trong cơ thể non yếu cũng ít hơn nên làm tăng nồng độ chất độc tự do trong máy, tăng độc tính đối với trẻ. Cuối cùng chức năng gan thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, dẫn đến khả năng chuyển hóa và bài tiết chất độc kém, làm kéo dài thời gian gây độc đối với cơ thể.

Ngoài tác dụng lên các cơ quan nội tạng, ma túy qua nhau thai mẹ cũng sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương của bào thai. Cụ thể, trong bào thai, ma túy từ máu mẹ vào cơ thể trẻ qua bánh nhau, sẽ làm giảm tiết encephalin trong thời kỳ bào thai. Sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được nuôi dưỡng qua nhau nữa, đồng nghĩa với việc không có chất ma túy vào cơ thể của trẻ. Do tình trạng ngưng cung cấp ma túy đột ngột, encephalin sẽ không sản xuất đủ, kết quả làm tăng hoạt động hệ thần kinh, tạo nên những triệu chứng kích thích hệ thần kinh. Hậu quả là trẻ sẽ xuất hiện hội chứng ngưng thuốc với những biểu hiện như khóc thét, quấy khóc dai dẳng, khóc cao giọng, đỏ mặt, ưỡn người.

Nếu bệnh xuất hiện sớm sau sinh, trong giai đoạn cấp, thường biểu hiện sau đó là run giật từng cơn nhẹ hoặc có khi là cơn co giật. Trong giai đoạn cấp cũng có thể gặp các dấu hiệu mắt nhìn thẳng, lơ mơ, vã mồ hôi, đỏ da, sốt cách hồi. Bên cạnh những dấu hiệu kích thích thần kinh, trẻ sơ sinh ngộ độc ma túy thường ngủ ít do bị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ cũng bú ít do sự kém phối hợp giữa động tác bú và nuốt. Khi bệnh diễn tiến nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, thậm chí suy hô hấp.

Trẻ em bị ngộ độc ma túy bào thai thường bị tổn thương từ khi còn trong bào thai và ảnh hưởng này tiếp tục kéo dài. Nếu không được quan tâm và theo dõi đúng, sẽ có hại đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ sau này. Về thể chất, trẻ ngộ độc ma túy bào thai thường kém phát triển hơn. Về tâm lý, trẻ ngộ độc ma túy bào thai có nguy cơ nghiện ma túy nhiều hơn so với những trẻ bình thường. Nếu người mẹ tiếp tục nghiện ma túy và để trẻ sống trong môi trường bạo lực sẽ tác động xấu đến hành vi, cư xử, mức độ phát triển tâm lý của trẻ, ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển tâm lý và sự hòa nhập tích cực của trẻ trong cộng đồng.

Hướng điều trị ngộ độc ma túy bào thai thường không cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Trong trường hợp trẻ bị co giật, run giật, kích thích nhiều sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc chống co giật. Ngoài ra việc kết hợp với dinh dưỡng và tâm lý trị liệu cũng có tác dụng bảo vệ tâm lý và giúp trẻ phát triển thể lực bình thường. Để bệnh không diễn tiến theo chiều hướng xấu, cần loại bỏ các tác động có thể gây ảnh hưởng xấu lên tâm lý trẻ như tình huống căng thẳng, xúc phạm lòng tự trọng của trẻ, sự thiếu thốn tình thương, tâm trạng bất an…; nên bảo vệ trẻ bằng một môi trường thân thiện và vòng tay yêu thương của gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước