Nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện “thắng lợi kép” vừa chống dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/03/2020 10:13 GMT+7

VTV.vn - Phản ứng nhanh của Chính phủ được ví như liều “thuốc tăng lực” giúp doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu để vượt qua khó khăn trong bối cảnh cả nước chống dịch COVID-19.

COVID-19 tác động thế nào lên kinh tế? Hiện vẫn còn quá sớm để có câu trả lời. Nhưng với mức độ lây lan của dịch COVID-19 như hiện nay đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Chứng khoán, hàn thử biểu của các nền kinh tế đã chìm trong sắc đỏ khi trái phiếu rơi xuống mức thấp nhất vào đầu tuần này. Giá dầu cũng đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Suy thoái toàn cầu là tương lai có thể thấy trước.

Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế và các doanh nghiệp lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thời điểm này. Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã phải xây dựng phương án ứng phó với tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất do thiếu nguyên liệu, có doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đóng cửa do thị trường xuất khẩu bị gián đoạn trong nhiều tháng. Thế nhưng, dù trong bất cứ trường hợp nào, kể cả khi dịch bệnh lan rộng hơn, Chính phủ đều đã có sẵn kịch bản ứng phó.

Và ngay từ tháng 3 này, hàng loạt giải pháp ưu tiên hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ đến được với các doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là 2 gói hỗ trợ bao gồm: Gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30 nghìn tỷ đồng theo tinh thần của Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với gói hỗ trợ khoảng 250 ngàn tỉ đồng, theo tờ Người lao động, đây là tổng các gói mà các ngân hàng thương mại cam kết cho vay mới với lãi suất ưu đãi ( thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm) so với thông thường. Về bản chất, gói này không phải là hình thức giống như các gói kích thích kinh tế trước đây khi sử dụng ngân sách để hỗ trợ lãi suất. Với hình thức này sẽ không một đồng nào từ ngân sách hay từ phía ngân hàng Nhà nước bơm ra. Vì vậy, gói hỗ trợ này sẽ không gây áp lực mạnh lên lạm phát trong ngắn hạn. Còn với gói 30 nghìn tỉ đồng cũng rất quan trọng vì nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang mong đợi.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Dự thảo Nghị định sau khi lấy ý kiến sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng này.

Thời gian gia hạn là 5 tháng (tính từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay) với tồng số tiền lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng. Theo tờ Tiền phong, việc gia hạn thời hạn nộp thuế không giảm số thu ngân sách do doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách.

Nhiều tập đoàn đã thể hiện sự ủng hộ mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Đó là vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng với các tập đoàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng đánh giá cao sự kiên cường vươn lên của các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng cũng cam kết, Chính phủ tạo môi trường đầu tư tốt hơn giúp doanh nghiệp phát triển.Chính phủ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, người Việt Nam còn có sẵn "vaccine" là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường. Nếu có vaccine này, thì dù trận chiến chống dịch bệnh có thể kéo dài, chúng ta vẫn sẽ thắng lợi, bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn, mà là thắng lợi kép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước