Trước đây. Ngọc Tỉnh là một thôn nghèo và lạc hậu. 6 gia đình đầu tiên đã xung phong mỗi nhà làm một gương việc tốt cụ thể, như ông Luyện Văn Ẩn làm mô hình ươm cây giống, trồng cây khắp đường làng ngõ xóm, ông Luyện Văn Ðễ thì đào giếng khơi để làm gương phá tan định kiến "sợ đứt long mạch" trong thôn lúc đó.
Trong khi đó, gia đình ông Ðinh Văn Khắc và ông Nguyễn Văn Tục chịu trách nhiệm tập hợp xây dựng đội văn nghệ thôn, gia đình bà Phạm Thị Oanh thì nêu gương về lao động sản xuất giỏi và làm gương về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Kể từ đó đến nay, noi gương họ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa và trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước.
Trong gia đình ông Luyện Ngọc Thanh, con ông Luyện Văn Ẩn, một gian riêng trong nhà, nơi đặt bàn thơ tổ tiên dành để làm thư viện gia đình. Từ những bức hình hoen màu thời gian ghi dấu sự kiện năm 1960 gây dựng phong trào ở thôn cho đến những hiện vật liên quan đến thành tích phấn đấu của từng đứa con đứa cháu đều được ông Thanh trưng bày trang trọng. Ông Thanh cho biết, ông làm như thế trước tiên để giáo dục nhắc nhở chính con cháu ông, sau để tự hào say sưa kể cho khách đến thăm.
Nằm kế bên khu công nghiệp Phố Nối A- phố nối B, thôn Ngọc Tỉnh hôm nay vẫn giữ vẻ yên bình, 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, toàn thôn không có tệ nạn xã hội. Đời sống người dân còn nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình và niềm tự hào về truyền thống một cách chân thực và sâu sắc - đó chính là những tài sản vô hình quý giá nhất được người Ngọc Tỉnh giữ gìn dưới mỗi mái nhà