Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH 2009, hầu hết các ĐBQH đều nhất trí về cơ bản với báo cáo của chính phủ. Ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành nền kinh tế của chính phủ trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, đi vào các vấn đề cụ thể, các đại biểu cũng đã phân tích một số hạn chế, kiến nghị chính phủ quan tâm xử lý trong thời gian tới.
Bội chi ngân sách, hiệu quả đầu tư thấp là những nội dung mà nhiều đại biểu đã chỉ ra từ nhiều góc độ, với mong muốn chính phủ và QH nghiêm túc và khoa học, khách quan hơn trong việc đề ra các mục tiêu và giải pháp nhằm giảm chi và tăng thu ngân sách từ các dự án, chương trình đầu tư trong nửa năm sắp tới.
ĐB Nguyễn Văn Phát, tỉnh Thanh Hóa: Đầu năm 2010, quy định Nhà nước đầu tư cho các dự án, chương trình trọng điểm, nhưng chưa tạo chuyển biến rõ rệt, các địa phương còn nhiều nhà đầu tư chậm triển khai... đã không xử lý dứt điểm các vấn đề tiêu cực trong đầu tư, dẫn đến bức xúc: Dân khiếu kiện, nhiều chương trình chậm đưa vào sử dụng, cái sau chồng lên cái trước”.
Thực tế lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, trong cấp phép đầu tư cũng như trong chính sách nhập khẩu, thói quen tiêu dùng và trong cả chính sách cắt điện để tiết kiệm điện, nhưng gây hại rất lớn đến sản xuất..., là vấn đề không mới, nhưng vẫn gây bức xúc cho khá nhiều đại biểu.
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến việc thực hiện chính sách của chính phủ về an sinh xã hội, đặc biệt là hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong nửa năm 2010, trong khi các vấn đề này trong Báo cáo trình Quốc hội được đề cập đến rất ít so với báo cáo về phát triển kinh tế. Ví dụ, quá trình thực hiện một số chính sách nhằm hỗ trợ cho nông dân, nhưng nông dân lại ít được hưởng lợi, như chủ trương tạm trữ cà phê cho nông dân vừa qua, hay việc quản lý các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Gần 20 ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội tìm ra nguyên nhân của những bất cập, kém hiệu quả trên là do ta chưa nghiêm minh hay chưa có qui định của pháp luật hay trong chỉ đạo điều hành, nhằm đề ra được các chỉ tiêu sát thực, khả thi cho thời gian tới.