Mía đạt 10 chữ đường được thu mua tại cầu cảng của nhà máy đường Sóc Trăng là 910 đồng/kg. Thế nhưng, giá mía được thương lái thu mua tại rẫy chỉ dao động từ 600-650 đồng/kg.
Theo Sở NN-PTNT của tỉnh, giá thành sản xuất hiện là 724 đồng/kg. Mỗi ha mía sau gần 1 năm chăm sóc với năng suất bình quân là 110 tấn/ha, người dân lỗ từ 6-11 triệu đồng. Mức lỗ cao hơn khi năng suất và chữ đường giảm sâu. Nhiều người chán nản, thu hoạch cả mía non và bán theo kiểu tính công hay ha. Có thực tế đáng buồn là người nào càng có nhiều đất, sản xuất nhiều thì càng nghèo thêm.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 13.000ha mía. So với năm 2013, diện tích mía của tỉnh giảm khoảng 400ha. Nguyên nhân do mía rớt giá liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây, người dân bỏ mía chuyển sang sản xuất các loại cây, con khác.
Điển hình ngay tại Cù Lao Dung - Sóc Trăng là một trong những huyện có diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất ở ĐBSCL với 8.400ha. Ngành chức năng huyện cho biết, nếu với mức giá như hiện nay, 2 năm tới, diện tích mía sẽ mất đi khoảng 2.000ha. Đa phần, người dân chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng màu. Việc bỏ mía đang tăng đột biến, khiến việc giữ vùng mía nguyên liệu càng trở nên khó khăn hơn.
Hiện nhiều diện tích chuyên canh mía của Sóc Trăng đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng hay các loại cây trồng khác. Chưa thể khẳng định là người trồng mía sẽ khấm khá hơn từ việc chuyển đổi này nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc sản xuất tự phát đang phát triển mạnh mẽ tại vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh.
Nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời và định hướng sản xuất kịp thời thì tổn thất về mặt kinh tế không hề nhỏ. Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn đối với loại cây trồng vật nuôi khác ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL trong thời gian qua với cách làm ăn tự phát như thế này.