Tình trạng thương lái nước ngoài sang thị trường Việt Nam tham gia thu mua và ép giá các mặt hàng nông sản đã nhiều lần được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm nay những người trồng khoai ở Đồng bằng Sông Cửu Long lại phải chịu tình cảnh này.
Những luống khoai lang tím đã tới thời điểm phải thu hoạch từ cách đây hơn 4 tháng nhưng bị bỏ lại suốt thời gian qua với hy vọng giá khoai tăng lên. Song, chờ mãi không có biến chuyển, người dân đành phải bán với giá 4000 đồng/kg khoai lang tím Nhật. Điều này cũng có nghĩa với mỗi công đất trồng khoai, người nông dân đang chịu lỗ xấp xỉ 5 - 6 triệu đồng.
Mới chỉ cách đây 1 năm, khoai lang tím vẫn là mặt hàng được ưa chuộng, thương lái Trung Quốc thu mua với giá 15.000 đồng/kg nhưng ngay khi nông dân ồ ạt chuyển sang trồng khoai thi giá đã sụt giảm chỉ còn 1/4..
Anh Huỳnh Văn Mướt, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Mỗi một công đất đầu tư cũng đã hết mười mấy triệu rồi, giờ bán chỉ được giỏi lắm 8 - 9 triệu".
Khi được phóng viên hỏi: "Từ trước đến nay anh không lường được chuyện này à? Anh không thấy nguy hiểm khi phụ thuộc hoàn toàn đầu ra vào thị trường Trung Quốc à?". Anh Mướt đã trả lời: "Thì mình bị gạt mà, lúc đầu họ mua giá cao. Rồi mình đổ xô đi trồng nhiều quá họ lại không mua nữa. Giá rẻ, bây giờ lỗ rồi thì phải chịu thôi".
Trên thực tế, việc bị thương lái Trung Quốc ép giá cũng không phải là điều mới mẻ. Dù chưa bao giờ bị ép giá mạnh như bây giờ, nhưng gần 10 năm giao thương với thương lái nước bạn người nông dân Bình Tân đã rút ra quy luật về giá khoai lang: Cứ 2 năm được giá thì sẽ có 1 năm mất giá.
Biết nhưng không có lựa chọn, huyện Bình Tân là một vùng chuyên canh khoai lang đã hình thành từ trước cách mạng. Từ chất đất, điều kiện khí hậu cho đến thói quen canh tác ở đây đều chỉ phù hợp với củ khoai.
Khó khăn ở chỗ, khoai lang không thể tích trữ, đã thu hoạch là phải bán dù giá đắt hay rẻ. Từ nhiều năm nay, Sở Nông nghiệp và PT - NT tỉnh Vĩnh Long đã tìm nhiều cách để kêu gọi doanh nghiệp về xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn những đến lúc này vẫn không thành công.
Ông Phan Nhật Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PT - NT tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Chế biến là một nhu cầu rất cần để tăng giá trị cho nông sản, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Việt Nam cũng đã xây dựng nhưng mà chế biến không được. Nguyên nhân là giá thành sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn giá thế giới, trong khi đó muốn làm chế biến thì giá phải thấp".
Khó khăn là vậy, nhưng trên rất nhiều thửa ruộng, một vụ khoai lang tím mới đang được gieo trồng. Không phải bởi người nông dân không biết sợ mà bởi không trồng thì chẳng lẽ bỏ đất hoang, lại phải nuôi hy vọng vào sự may rủi của thị trường thời gian tới.