Theo tài liệu điều tra, 15 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người đã tử vong do uống Rượu nếp 29 Hà Nội có nồng độ Methanol cao hơn 2000 lần ở mức cho phép. Sau khi bị bắt khẩn cấp, bước đầu ông Nguyễn Duy Vường đã khai nhận tại cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Ninh về nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do bản thân đã không kiểm soát quá trình nhập cồn vào để pha chế rượu dẫn đến nhập “nhầm” cồn công nghiệp thay vì nhập cồn thực phẩm.
Ông Vường cũng thừa nhận theo quy trình thì sau khi sản xuất rượu xong phải kiểm tra lại nồng độ Methanol rồi mới đóng chai. Tuy nhiên, khâu này đã bị bỏ qua nên mới có rượu độc được bán ra thị trường.
Được biết, cồn công nghiệp mà Công ty Rượu nếp 29 đã dùng để sản xuất rượu bán ra thị trường chính là sản phẩm dùng trong in ấn, may mặc và đánh bóng Vecni. Số cồn này được nhập từ bên ngoài không do công ty sản xuất.
Công an Quảng Ninh đang tích cực điều tra, hoàn thiện hồ sơ để làm rõ trách nhiệm liên quan từ cán bộ pha chế, kiểm soát sản phẩm của công ty này.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có công văn thu hồi, xử lý khẩn cấp Rượu nếp 29 loại 2 lít sản xuất ngày 12/10/2013 và xử lý bổ sung thêm 03 sản phẩm rượu của Công ty có chứa hàm lượng Methanol vượt quá mức cho phép nhiều lần là Rượu nếp 29 Hà Nội, chai thủy tinh 750ml sản xuất ngày; Vodka rượu nếp, chai thủy tinh 700ml và vang nổ đỏ, chai thủy tinh 750ml tất cả đều sản xuất ngày 12/10/2013.
Hiện tất cả các tỉnh đang tiến hành kiểm tra, giám sát, thu hồi, xử lý các sản phẩm rượu gây ngộ độc và rượu có hàm lượng Methanol cao theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm. Tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 6 nghìn can rượu trắng 2 lít có nhãn Rượu nếp 29 trong đó có trên 4 nghìn can sản xuất ngày 12/10/2013.