Nông nghiệp Việt Nam: Bóng dáng của nền sản xuất gia công

Đỗ Thủy-Thứ năm, ngày 31/10/2013 06:00 GMT+7

Sau gần 6 năm gia nhập WTO và thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại, nông nghiệp Việt Nam vẫn mang bóng dáng của một nền sản xuất gia công: thu nhập chủ yếu lấy từ sức lao động và tài nguyên thiên nhiên, phần đóng góp của khoa học công nghệ và giá trị gia tăng còn rất thấp.

Quá trình hội nhập đã đem lại hiệu quả tích cực cho nông nghiệp Việt Nam khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã có vị thế cao trên thị trường thế giới. Xuất siêu nông sản ngày càng tăng, kể cả trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại sau hơn 5 năm gia nhập WTO, các lợi ích do quá trình hội nhập đem lại cho nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp và giá trị gia tăng thấp.

Đây là những nhận định được đưa ra trong bản Báo cáo đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Báo cáo do Bộ NN-PTNT vừa công bố sáng 30/10 tại Hà Nội.

Với các nghiên cứu dựa trên ba tác động chính tới ngành nông nghiệp là: thuế quan, giá vật tư đầu vào và biến đổi khí hậu, báo cáo cho thấy, sau gần 6 năm gia nhập WTO và thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại, nông nghiệp Việt Nam vẫn mang bóng dáng của một nền sản xuất gia công: thu nhập chủ yếu lấy từ sức lao động và tài nguyên thiên nhiên, phần đóng góp của khoa học công nghệ và giá trị gia tăng còn rất thấp. Dự báo tới năm 2017, thâm hụt thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

‘ Ảnh minh họa

Ví dụ như đối với ngành trồng trọt, giống và phân bón chiếm hơn 80% năng lực cạnh tranh. Tương tự với ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi cũng chiếm tỷ lệ tới khoảng 80%, nhưng cả phân bón và thức ăn chăn nuôi, chúng ta đều phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.

Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho rằng: “Cái yếu nhất của chúng ta là nông dân không được tổ chức, thiếu thể chế trong chuỗi quản lý giá trị. Chất lượng nông sản rất thấp và giá thành sản xuất lại ngày càng tăng cao do giá đầu vào như phân bón, xăng dầu… tăng lên. Và như vậy trong giai đoạn gia nhập WTO đến hiện nay, nhiều ngành nông nghiệp đang mất dần lợi thế cạnh tranh”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, không nên kỳ vọng rằng nông sản Việt Nam sẽ thâm nhập thị trường thế giới dễ dàng hơn khi gia nhập WTO. Trên thực tế, nhiều mặt hàng nông sản như tôm, cá tra... đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức khi hội nhập.

Những kinh nghiệm trong 6 năm qua cho thấy, Việt Nam cần phải có những điều chỉnh cả về mặt thể chế và chính sách để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phát huy nội lực. Bởi cơ hội của WTO chỉ thực sự mở đường cho Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản khi các ngành sản xuất của chúng ta đủ năng lực cạnh tranh.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT nhận xét: “Chúng ta có đầu tư một số đáng kể kinh phí và năng lực công nghệ ban đầu, nhưng phần chế biến, từ bảo quản, thương mại, thị trường, dự báo về thông tin bên ngoài thì chúng ta làm chưa nhiều, chưa đầu tư. Cần có các chương trình nghiên cứu, cần có lực lượng chuyên gia, các công cụ phân tích chuyên trách. Chúng ta phải thông tin, hỗ trợ và tiếp tay cho người nông dân để họ tiến ra thị trường. Hiện nay, người nông dân chỉ trông cậy vào tư thương, thương lái, còn doanh nhân thì bơ vơ”.

Cũng tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, để nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu bền vững, cần phải có những chính sách cụ thể hơn nữa đối công nghiệp chế biến. Bởi những số liệu trong 5 năm qua cho thấy, tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nhờ vào tăng khối lượng chứ không phải tăng giá. Năm 2012, giá trị gạo xuất khẩu chỉ tăng 0,4% nhưng khối lượng tăng tới 12,7% so với năm trước đó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước