“Nóng” nợ bảo hiểm xã hội tại TP.HCM

Quang Sáng-Thứ hai, ngày 06/05/2013 07:00 GMT+7

Các tài xế taxi đang bị vi phạm quyền lợi bảo hiểm xã hội. Ảnh: Pháp luật

 Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Tập đoàn Mai Linh taxi đang là doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội lớn nhất mà cơ quan bảo hiểm không có cách nào để truy thu.  

Nợ đọng bảo hiểm xã hội là một vấn đề nhức nhối trong nền kinh tế Việt Nam. Khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm hoặc không đóng bảo hiểm, quyền lợi của người lao động sẽ bị thiệt thòi. Tuy nhiên, không phải do kinh tế khó khăn đã xuất hiện tình trạng nợ đọng bảo hiểm, nguyên nhân chính được cho là do chế tài không nghiêm cũng như cơ quan Bảo hiểm xã hội không có đủ phương tiện để thực hiện.

Không khó để có thể nhận ra những chiếc xe taxi Mai Linh chạy trên khắp phố phường TP.HCM, thế nhưng ít ai biết được rằng, những tài xế Mai Linh đang phải lao động trong tình trạng rất đáng lo ngại. Bất cứ khi nào đau ốm hoặc nghỉ hưu, tài xế taxi Mai Linh chắc chắn không được quyền lợi gì bởi công ty chậm đóng bảo hiểm cho người lao động.

Anh Trần Văn Giáo, Tài xế taxi Mai Linh cho biết: “Hiện công ty không phải không có bảo hiểm cho chúng tôi mà chỉ chậm trễ tí thôi. Nhưng bản thân là người lao động tôi cũng cảm thấy lo lắng mỗi khi chưa có bảo hiểm, vì đó là quyền lợi của mình”.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Mai Linh đang là doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội lớn nhất mà cơ quan bảo hiểm cũng không có cách nào để thu. “Có những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Mai Linh taxi hiện nay nợ bảo hiểm xã hội hơn 50 tỷ đồng và chúng tôi đang khởi kiện. Còn những doanh nghiệp nhỏ một vài lao động thì nợ rất phổ biến”, ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết.

Đến cuối tháng 3, trên địa bàn TP.HCM có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH từ ba tháng trở lên, gây khó khăn cho việc giải quyết chế độ cho hàng trăm ngàn lao động. Khó khăn như Mai Linh chậm nộp bảo hiểm đã đành, thế nhưng không ít doanh nghiệp khác có tiền, có điều kiện vẫn không chịu đóng bảo hiểm xã hội đúng hạn. Tất cả vì chế tài đối với hành vi này không đủ sức răn đe.

Cũng theo ông Đỗ Quang Khánh: “Nếu nợ thuế thì Luật thuế quy định rất rõ, sẽ xử phạt rất nặng, Thanh tra thuế xử lý ngay, thậm chí là đưa ra Toà để xử. Nhưng nợ bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng bằng lãi suất tăng trưởng quỹ đầu tư bảo hiểm xã hội trong thời gian qua xấp xỉ khoảng 10%/năm. Vì thế doanh nghiệp thà nợ bảo hiểm xã hội còn hơn phải đi vay ngân hàng. Thứ hai là, nếu vi phạm nặng thì cũng chỉ bị xử phạt đến 30 triệu đồng trong khi con số nợ lên tới hàng tỷ, chục tỷ đồng”.

Hàng tháng, trên địa bàn TP.HCM có 40.000-50.000 lao động thôi việc, trong đó số thất nghiệp khá nhiều vì kinh tế khó khăn. Vì nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp nên người lao động cũng không được hưởng quyền lợi gì. Lãnh đạo các cơ quan bảo hiểm cho rằng, khả năng vỡ quỹ bảo hiểm là rất lớn nếu không có những biện pháp kịp thời.

Một khó khăn khác là vì Bảo hiểm xã hội là ngành dọc, lo cho quyền lợi của người lao động tại địa phương, nhưng lại không có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các địa phương. Nhân sự của bảo hiểm xã hội lại không nhiều nên khả năng thu đủ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới là rất khó khăn, có đi kiện các doanh nghiệp chậm đóng cũng phải mất nhiều thời gian. Chính vì thế, việc ngăn chặn ngay từ đầu, có chế tài thật nghiêm để các doanh nghiệp tự giác đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mới là biện pháp bền vững và lâu dài.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước