Báo Lao động dẫn kết quả cái gọi là khảo sát của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay: Có tới gần 70% mẫu trong số 150 mẫu nước mắm có tổng lượng asen (tức là thạch tín) không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thậm chí, Hội này còn nhấn mạnh: "Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm thạch tín càng tăng" nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.
Người dân hoang mang trước thông tin nước mắm chứa thạch tín, còn dư luận lại nghi ngờ về kết quả kiểm nghiệm nước mắm, khi Phó Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn thừa nhận có nhà tài trợ để Hội thực hiện việc khảo sát. Thế nhưng, ông Tuấn lại không nêu tên đơn vị tài trợ, vì đó là "bí mật".
Việc có nhà tài trợ cho cuộc khảo sát của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khiến dư luận đặt câu hỏi về kết quả kiểm nghiệm liệu có bị tác động bởi nhà tài trợ hay không? Mối hoài nghi càng lớn, bởi ngay sau công bố của Vinatas, người tiêu dùng lại thấy quảng cáo nước mắm sạch trên thị trường.
Tiếp sau sự hoang mang của dư luận, các nhà thùng (tức các nhà sản xuất nước mắm) đã liên tiếng phản đối. Bởi các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tạm ngưng lấy hàng của họ, chưa kể một số khách hàng đòi trả lại nước mắm đã mua. Tuy chưa có con số cụ thể về thiệt hại của các doanh nghiệp, nhưng thông tin của Vinatas đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của nước mắm truyền thống.
Có phải Vinastas muốn "giết" nước mắm truyền thống? Đây là câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp lẫn chuyên gia bức xúc trước thông tin do Vinastas công bố.
Vậy động cơ của Vinastas là gì? Báo chí, các nhà thùng, các chuyên gia thủy sản đặt câu hỏi khi nhiều nhà thùng ở Phú Quốc đã xuất khẩu nước mắm truyền thống sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia... toàn những thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt, song nước mắm Phú Quốc chưa hề gặp phải bất cứ cảnh báo nào về hàm lượng asen.
Cuối tuần này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và các hiệp hội nước mắm: Nha Trang, Phan Thiết - Bình Thuận, Phú Quốc đã gửi văn bản kiến nghị "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Theo văn bản kiến nghị khẳng định: "Công bố của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và asen vô cơ rất độc". Do đó, các hiệp hội cho rằng, việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển.
Với tuyên bố một cách chung chung asen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng hoang mang và có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!