Vết nứt xuất hiện từ km82 đến km83, tạo thành vòng cung dài 73m, thuộc xã Phùng Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong 8 đoạn đường nằm trong cảnh báo theo dõi lún.
Trên toàn tuyến 245 km của cao tốc, được đắp nền cao khoảng từ 7-9 m, nhưng riêng 500m nền đất yếu thì 4m móng đường đã được xử lý bằng loại vật liệu riêng, dùng cho nền đất yếu. Tuy nhiên, sau 2 cơn bão (số 3 và số 4), khu vực xung quanh bị ngập nước đã tạo ra lún ngầm, kéo theo lún mặt và gây ra nứt mặt đường.
Theo ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), qua kiểm tra thực tế và theo hồ sơ thì ở vị trí này có nền đất yếu rất đặc đặc thù bởi trên mặt cắt ngang của nền đường phân bố lớp đất yếu không đều và có độ nghiêng 30 độ. Vì thế khi nền đường đắp đủ tải trọng nhưng quá trình vận động tự nhiên dẫn đến việc trượt trên mặt phẳng nghiêng và gây ra vết nứt trên mặt đường.
“Mặt cắt ngang của đường có đá gốc bị nghiêng mà biện pháp vét bùn lại theo mặt phằng nên sẽ tồn tại những điểm mà chiều sâu lớp bùn trên nền đá gốc không đồng đều, rất có thể nó gây lún lệch trượt khối nền đắp ở trên nền đá gốc” - ông Ngô Lâm nói.
Theo ông Lâm, quy định mỗi mũi khoan thăm dò địa chất trước khi thi công đường, cách nhau 100m. Vì thế, vị trí bị nứt hiện nay lại nắm giữa 2 mũi khoan, do vậy, trước khi thi công chỉ được kiểm tra kỹ ở 2 điểm đầu và cuối của đoạn nứt hiện nay.
Ông Ngô Lâm cho biết thêm: “Các biệp pháp xử lý nền đất yếu các các nhà thầu có thể chưa phù hợp nên ở các đoạn này không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy phải khảo sát lại và đánh giá và toàn bộ trách nhiệm về việc này. Nhà thầu thi công xây dựng là người phải chịu trách nhiệm và khắc phục các vết nứt này”.
Cũng theo ông Lâm, Tổng Công ty Phát triển đường Cao tốc Việt Nam đang tiến hành khoan địa chất công trình tại vị trí nứt nêu trên. Phương án xử lý sẽ phụ thuộc vào kết quả khoan địa chất này. Sau đó và trách nhiệm khắc phục sẽ thuộc về nhà thầu. Đây là gói thầu số 4 thuộc nhà thầu Keangnam thi công.