Dù vào những ngày mưa, phần lớn đất canh tác ở thành phố Đà Lạt vẫn khô ráo bởi nhà kính đã che phủ hầu hết đất canh tác. Nhà kính này liền kề với nhà kính khác, nước mưa đổ dồn vào máng nước giữa các nhà kính. Sau đó, các máng nước lại dồn nước mưa xuống một vị trí, lũ cục bộ, xói lở vì thế mà xuất hiện.
Năm này qua năm khác, quỹ đất canh tác như bị "nhốt" trong nhà kính mà không chịu sự tác động của mưa, nắng, từ đó đất dễ bị thoái hóa. Không chỉ ô nhiễm, thoái hóa đất, lũ cục bộ, nhìn về tổng thể, thành phố Đà Lạt đã thực sự bị nhiễm nóng trong những năm gần đây.
Sau khi thành phố trong rừng trở thành nơi bị đan kín bởi nhà kính, trong 5 năm qua, số lượng nhà kính ở thành phố Đà Lạt đã tăng gấp 5 lần với hơn 5.000ha canh tác trong nhà kính. Rõ ràng, vấn đề được đặt ra đối với thành phỗ Đà Lạt là không để tràn lan lối canh tác nhà kính gây tổn hại môi trường sinh thái. Tuy nhiên, vào lúc này, vấn đề điều chỉnh thật sự là rất khó bởi việc đầu tư nhà kính là "chuyện đã rồi".
Vấn đề này đã từng được đặt ra từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, số lượng nhà kính vẫn gia tăng và gần như không có sự kiểm soát nào. Đây được cho là bài học đắt giá trong việc đầu tư phát triển ở Đà Lạt bởi vào lúc này, thực sự là không dễ dàng để trả lại môi trường sinh thái vốn có ở nơi này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!