Ô nhiễm môi trường làng nghề không giảm

Thái Thanh -Thứ hai, ngày 07/11/2011 21:00 GMT+7

Hiện cả nước có gần 3.500 làng nghề, thu hút 30 triệu lao động. Đời sống được nâng lên, nhưng mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không giảm. Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp xử lý.

Sáng nay (7/11), các đại biểu Quốc hội đã họp tại hội trường để nghe báo cáo giám sát và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Báo cáo giám sát do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội đánh giá: Bên cạnh những thành tựu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, hầu hết các khu kinh tế ven biển mới đưa vào hoạt động nên chất lượng môi trường nói chung chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường cần phải được quan tâm vì tỷ trọng lấp đầy khu kinh tế tăng lên theo thời gian. Nếu không có biện pháp xử lý môi trường ngay, sẽ rất tốn kém chi phí khi xử lý sau này. Việc ban hành các văn bản pháp luật về môi trường còn nhiều yếu kém, một số văn bản pháp luật có nội dung chồng chéo.

Cả nước có gần 3.500 làng nghề, thu hút 30 triệu lao động, đời sống được nâng cao, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không giảm. Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp xử lý. Các văn bản pháp luật đã có, nhưng nội dung mâu thuẫn, khó thực thi trong thực tế. "Tại một số nơi, việc xử lý môi trường chỉ làm hình thức, khi kiểm tra mới đưa vào sử dụng, sau đó lại đóng lại", ông Trương Thái Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết.
Cũng có ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An bổ sung "Nhiều khu kinh tế chưa hoàn thành hạng mục xây dựng cơ bản về môi trường thì đã đi vào hoạt động, tiếp nhận các ngành đầu tư vào khu kinh tế không đúng chức năng, nên việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn”.
Có đại biểu đề nghị, ngoài vai trò của các địa phương, cần phân tích nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương.
Hiện mỗi năm Nhà nước dành 1% thu ngân sách để chi cho hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng một số địa phương không chi hết tỷ lệ này. Một số đại biểu đề nghị cần thay đổi một số cơ chế chi cho môi trường, đồng thời tăng tỷ lệ này lên mức hơn 1%. Chẳng hạn, theo đại biểu tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ, "đề nghị tăng chi ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường, ví dụ ở Hà Lan là hơn 400 USD/người".
Bên cạnh đó, hầu hết các đại biểu cũng đồng ý với đề xuất là nên gắn công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề với các chương trình xây dựng nông thôn mới, Quốc hội nên ban hành nghị quyết giám sát tối cao về môi trường, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề ngay trong giai đoạn 2011-2015.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận đề tài này tại Quốc hội, Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước