Vụ lừa "khủng" trên thị trường chứng khoán thu hút sự chú ý của giới đầu tư. (Ảnh: VnE)
Tuy nhiên, sau khi công bố này được đưa ra, giá cổ phiếu của công ty này vẫn giảm liên tiếp trong những ngày qua, từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/cổ phiếu, mất 25% giá trị. Hôm qua (18/10) là một phiên tiếp tục giảm điểm của cổ phiếu ORS. Giá bán sàn và không người đặt mua.
Theo ông Nguyễn Việt Thành, một nhà đầu tư, “Việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của ORS trong thời gian qua là do thông tin về việc một thành viên HĐQT của công ty này bị bắt vì nghi án chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Sự việc chưa dừng lại khi mới đây trong bản báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2011 đã được soát xét của ORS xuất hiện một số điểm được cho là bất thường.
Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2011, trong phần "Nợ ngắn hạn" của ORS, có mục “Các khoản phải trả khác” bỗng dưng tăng đột biến lên 1.459,89 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với con số 125,16 tỷ đồng của ngày 1/1/2011. Nợ ngắn hạn từ gần 130 tỷ đồng tăng lên tới hơn 1.450 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy khiến cho nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn. Đồng thời trong phần "Tài sản ngắn hạn", "Các khoản phải thu khác" cũng tăng bất thường lên 1.483,47 tỷ đồng.
ORS thuyết minh trong báo cáo tài chính, khoản nợ ngắn hạn này phần lớn là phải trả các công ty, nhưng không nói rõ là các công ty nào và cũng không nói rõ khoản phải thu khác là phải thu từ hoạt động nào, đơn vị nào? Điều đó đã khiến giới đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn khi thời điểm xuất hiện những con số tăng đột biến cũng cùng với thời điểm bà Như tham gia vào Hội đồng quản trị của ORS.
TS.Phạm Tiến Đạt, chuyên gia tài chính cho rằng: “Nếu không đầu tư vào bất động sản hay các khoản đầu tư lớn khác thì việc tăng đột biến khoản nợ trên 1000 tỷ như thế rõ ràng là một điều bất bình thường”.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc ban Phân tích - Đầu tư, công ty Chứng khoán Dầu khí nói: “Với vốn điều lệ 220 tỷ như công ty Chứng khoán Phương Đông thì việc huy động số vốn 300 - 400 tỷ đã là khó khăn rồi, vậy mà công ty còn có thể huy động được gần 1.500 tỷ. Rõ ràng công ty đang có những khoản tiền bất hợp lý liên quan đến hai khoản: hoặc là công ty mang đi đầu tư chứng khoán, hay là một số tổ chức ủy thác tiền cho công ty chứng khoản để gửi tiết kiệm”.
Nhiều chuyên viên làm trong ngành chứng khoán cho rằng, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, chứa đựng nhiều rủi ro như hiện nay, khoản nợ ngắn hạn gần 1.500 tỷ này sẽ khó để thu hồi.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Ban Phân tích - Đầu tư, công ty Chứng khoán Dầu khí nhấn mạnh: “Có 3 kênh để công ty có thể đầu tư là chứng khoán, bất động sản và thị trường tín dụng liên ngân hàng. Tuy nhiên cả 3 kênh này hiện nay đều đang đi xuống và tồn tại nhiều rủi ro”.
Đó đơn thuần là những phân tích, nhận định của các chuyên gia tài chính, còn phía nhà đầu tư, họ vẫn đang trông chờ một câu trả lời thích đáng, chân thực của CTCK ORS.
Với mong muốn giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư, Phóng viên Bản tin Tài chính đã liên hệ với công ty chứng khoán Phương Đông ORS. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này từ chối trả lời phỏng vấn và thông tin lại rằng: Vấn đề này sẽ được công bố chính thức trên Website của công ty và gửi văn bản báo cáo với các cơ quan quản lý.
Tin bài liên quan: