Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên. (Ảnh VGP)
19 tỉnh, thành ven biển miền Trung và Tây Nguyên cần phải có tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Đây là đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên diễn ra hôm nay (16/2) tại Huế.
Miền Trung - Tây Nguyên là nơi hội đủ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch của Việt Nam. Từ tài nguyên biển, đảo, văn hóa-lịch sử, sinh thái và tài nguyên núi rừng, hang động. Đây cũng là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới và hơn 3.000 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Đây cũng còn là nơi sinh sống của 47 trong 54 dân tộc anh em, tạo ra kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc; là nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Tây và Kim cổ. Trong mấy năm gần đây khu vực này, nhất là 5 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã liên kết để phát triển du lịch và khu vực này đang đón tới một nửa lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt là nhiều nhà đầu tư tư nhân lớn về đây đầu tư vào các khu du lịch và nhất là hàng không phát triển đã góp phần ra tăng mạnh mẽ khách du lịch đến đây. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể thì mục tiêu liên kết để phát triển du lịch bền vững và khai thác hết những tiềm năng về du lịch ở đây chưa đạt như mong muốn.
Trả lời các đề xuất này ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương sẽ mở cửa bầu trời cho các hãng hàng không nước ngoài đến 4 sân bay trong khu vực miền Trung, đồng thời khuyến khích các tỉnh, thành ở đây tìm kiếm các nguồn vốn để xây dựng các đoạn còn lại của tuyến đường ven biển để phát triển đô thị và du lịch. Đối với đề xuất nới lỏng chính sách cấp thị thực nhập cảnh, Thủ tướng cho biết, Thủ tướng vừa ký Nghị quyết của Chính phủ về tăng thêm 34 nước áp dụng visa điện tử, đưa tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng chính sách này lên khoảng 100. Điều đó, thể hiện Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ khó khăn cho du lịch.
Với sự am hiểu rất sâu sắc về miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập của ngành kinh tế mũi nhọn ở đây. Đó là tài nguyên du lịch miền Trung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng. Trong khi đó, tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt hay suy thoái. Do đó, Thủ tướng đã đưa ra một tư duy mới về phát triển du lịch ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên theo tư duy phát triển du lịch với cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm.
Một vấn đề lớn nữa của du lịch miền Trung và cũng là của cả ngành Du lịch được Thủ tướng chỉ ra là còn rất chậm đổi mới. Điển hình là rất lâu rồi vẫn nghe những chủ đề cũ như Con đường di sản miền Trung, Kết nối di sản. Những chủ đề này đã rất thành công nhưng có vẻ như du lịch miền Trung đang ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Một vấn đề rất bức xúc nữa là tình trạng ép giá, hay còn gọi là chặt chém du khách, mất vệ sinh, thiếu an ninh, lừa đảo, ép khách du lịch đang làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn các ngành kinh tế khác, làm triệt tiêu hiệu quả của công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Nhắc lại 5 câu hỏi đã đặt ra cho ngành du lịch tại Hội nghị du lịch toàn quốc cách đây 2 năm ở Hội An, Thủ tướng cho rằng, ngành Du lịch bước đầu đã trả lời được một số câu hỏi như làm thế nào du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm và làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Tuy nhiên các câu trả lời nhìn từ thực tế cho thấy vẫn chưa thực sự xuất sắc lắm và ngành Du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng không có cách nào quảng bá hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch.
Nhắc lại tư duy phát triển du lịch của mình theo hướng liên kết cụm ngành, Thủ tướng lưu ý 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội bán cho mỗi du khách ít nhất một sản phẩm khi đến với địa phương. Đồng thời đề nghị nghành du lịch phải suy nghĩ làm sao đưa được văn hóa bản địa đến với du khách một cách sâu đậm hơn, ấn tượng hơn. Nhưng cũng cần tránh phong trào trong đầu tư phát triển du lịch, đó là thấy tỉnh bạn làm chợ đêm thì tỉnh mình cũng làm chợ đêm, thấy người ta tổ chức lễ hội mình cũng lễ hội mặc dù không hiệu quả. Thay vào đó, phải làm cho sản phẩm du lịch địa phương thật độc đáo, khác biệt và đổi mới liên tục.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo của nhiều tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên đã trao nhiều giấy chứng nhận và thỏa thuận đầu tư với tổng vốn cam kết lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho các tập đoàn lớn ở trong nước đầu tư vào các dự án khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, kết hợp thể thao ở các tỉnh miền Trung, trong đó, tập trung ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Đây đều là các dự án sẽ tiếp tục góp phần làm cho du lịch các tỉnh miền trung và Tây Nguyên liên kết tốt hơn và phát triển xứng tầm hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!