Trên thực tế, thời gian qua, công việc phân bổ ngân sách nhà nước đã bộc lộ những hạn chế đòi hỏi cần phải sớm thay đổi phương thức thực hiện. Và đây cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 này.
Trong phiên họp, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011, dự toán Ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2012.Theo nhiều Đại biểu Quốc hội, phương thức phân bổ ngân sách hiện nay chưa sát với thực tế.
Có đại biểu Quốc hội đã ví việc phân bổ ngân sách hàng năm như một chiếc bánh được chia cho nhiều người. Người khỏe sẽ ăn được nhiều còn người yếu sẽ ăn được ít. Việc phân bổ ngân sách trong thời gian qua cũng vậy. Do phân bổ dàn trải nên đã không có ngành nào, lĩnh vực nào bứt phá được. Vì vậy, phải có tiêu chí để việc phân bổ ngân sách được công khai, minh bạch.
Nhấn mạnh thêm về việc này, ông Lê Nam, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Phải có bộ tiêu chí minh bạch, công khai trong việc phân chia ngân sách. Đấy là câu chuyện tế nhị nhưng nếu càng công khai, minh bạch thì càng dễ trong việc giải quyết vấn đề cái bánh ngân sách. Điều này thiết thực với tất cả các địa phương , bộ ngành. Hơn nữa, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến việc chống lãng phí, chống thất thoát, tham nhũng…
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy Ban các vấn đề xã hội - Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cũng nói thêm rằng, phân bổ ngân sách cũng dựa trên những tiêu chí ngoài tiêu chí tổng quát, cần phải dựa trên tiêu chí khác. Ví như vùng miền đầu tư khu vực Bắc bộ như thế nào, đồng bằng như thế nào, lợi thế của từng vùng miền để đầu tư có thích hợp không, đặc biệt là vùng mặt bằng dân trí thấp, giao thông cách trở, đồi núi, phải đầu tư như thế nào? Chúng ta phải dựa trên tính thực tiễn vùng miền, tính dân tộc và mặt bằng dân trí nữa.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, từng bước xóa bỏ tình trạng “lồng ghép” của hệ thống ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc ngân sách cấp nào thì do cấp đó quyết định, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng đổi mới các quy định về phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách.
Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, có một vấn đề không thể chờ đợi, đó là tăng cường tính công khai, minh bạch ngân sách, tạo điều kiện cho Quốc hội và cử tri có thể kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế những thất thoát lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.