Quyết định 44 về việc phân loại rác tại nguồn đã giải quyết được một vấn đề vốn rất khó với TP.HCM, đó là mối liên kết trong việc phân loại rác thải từ hộ gia đình với khâu thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Từ năm 1999, thành phố đã thí điểm thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn ở quận 5, đến năm 2001 tiếp tục thí điểm ở các quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi và tái khởi động với quy mô nhỏ hơn vào năm 2013. Tuy nhiên, kết quả chung đều là thất bại vì hộ dân phân loại nhưng xe thu gom lại đổ vào vận chuyển chung, nhà máy xử lý không kịp triển khai, rác phân loại xong lại bị bỏ chung vào chôn lấp.
Tại TP.HCM có đến 60%, thậm chí có những địa bàn đến 80% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom bởi lực lượng rác dân lập. Điều này có nghĩa là rất khó để có được đủ xe thu gom rác có phân loại khi người thu gom phải tự bỏ tiền ra đầu tư. Quy định lịch thu gom rác theo Quyết định 44 có thể xem là đã phần nào tháo gỡ khó khăn này. Tuy nhiên, ngay cả với vai trò mới của lực lượng thu gom rác, việc thực thi cũng không dễ dàng.
Mỗi ngày tại TP.HCM có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp do chưa thực hiện tốt việc phân loại. Thành phố đang phấn đấu tỷ lệ này đến năm 2020 sẽ là 50%, năm 2050 còn 20%. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều kiện tiên quyết vẫn là phải đưa việc phân loại rác sinh hoạt tại gia đình trở thành chuyện bắt buộc phải thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!