Phật hoàng Trần Nhân Tông – Anh hùng dân tộc

Ngọc Hà-Thứ ba, ngày 15/12/2009 10:56 GMT+7

Trong lịch sử Việt Nam, vua Trần Nhân Tông được sử sách ngợi ca là một trong những vị vua anh minh nhất, ông là người duy nhất ở Việt Nam được gọi là Phật hoàng. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng.

Đã 701 năm trôi qua kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế, nhưng tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi sự phát triển của Phật học Việt Nam.

Cuốn sách “Những điều dạy về Phật của Trần Nhân Tông” không chỉ khái quát những cống hiến to lớn của nhà vua trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và mở cõi, mà hơn thế, còn toát lên tư tưởng lớn của một vị minh quân, danh nhân văn hóa, một vị thiền sư và một tâm hồn thi sĩ.

Lên ngôi vua năm 20 tuổi khi nhà Trần đã bắt đầu bước vào thời kỳ thịnh trị, song áp lực trước dồn tới ông vua trẻ khi vó ngựa quân Nguyên Mông - đội quân hung hãn nhất thế kỷ 13 đem quân xâm lấn Đại Việt. Là đấng minh quân, vua Trần đã cố kết được lòng dân với hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than nổi tiếng tiêu biểu cho khí thế hào hùng của người dân nước Việt. Hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông tỏ rõ tài thao lược, điều binh khiển tướng vào những năm lịch sử oai hùng sáng chói 1285 và 1289, đem lại cho quân dân nhà Trần niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Sau cơn binh lửa, ông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước khi ngài 36 tuổi.

Rời bỏ ngai vàng, Thái Thượng hoàng lên Yên Tử khoác áo cà sa thuyết pháp độ sinh, khai phá thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền của riêng người Việt làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo và tồn tại cho đến ngày nay.

Tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm có tính bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các nền văn hóa tư tưởng để hình thành nên một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh làm điểm căn cốt. Tư tưởng ấy đã để lại một dấu ấn giá trị qua những sáng tác văn chương khá đồ sộ, có nhiều đóng góp cho văn học trung đại nói chung, văn học Phật giáo Thiền tông nói riêng. Và trong số đó, không thể không nhắc tới bài phú nổi tiếng “Cư trần lạc đạo”.

Với “Cư trần lạc đạo”, chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tư tưởng Thiền học được phản ánh qua sinh hoạt Thiền phái và ý thức tự chủ của dân tộc Đại Việt qua văn hóa, văn học, ngôn ngữ chữ Nôm và những xúc cảm chân thành trước quê hương đất nước.

Vậy nên nửa cuối thế kỷ13, dưới ảnh hưởng của triết thuyết Trần Nhân Tông, xã hội Việt Nam thanh bình an lạc, kinh tế phát triển. Tư tưởng của Phật hoàng cùng những tác phẩm văn hóa Phật giáo vì thế đã trở thành tinh hoa của Quốc gia Đại Việt thời Trần và đến nay, nó là Di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

“Những điều dạy về Phật của Trần Nhân Tông” do Nhà xuất bản văn hóa Thông tin ấn hành.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước