Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Cần duy trì hòa bình để phát triển đất nước
Với tỷ lệ phiếu tán thành cao (97,77%), ông Phạm Bình Minh đã tái đắc cử chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu rõ trọng tâm trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ 2016-2021: “Nhiệm vụ của Chính phủ là làm sao duy trì được môi trường hòa bình để tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Để duy trì được môi trường hòa bình đó, chúng ta đóng góp vào cộng đồng thế giới bằng nhiều biện pháp đặc biệt. Chúng ta sẽ tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước quan trọng trên thế giới”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Xây dựng Chính phủ liêm chính là vấn đề rất lớn
Theo kết quả bỏ phiếu phê chuẩn của Quốc hội, ông Lê Vĩnh Tân giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ với tỷ lệ 90,89% đại biểu Quốc hội đồng ý.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sau đó đã nhấn mạnh về 3 thách thức quan trọng đối với ngành nội vụ ở nhiệm kỳ tới: “Chủ trương xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và Chính phủ phục vụ là vấn đề rất lớn. Thách thức cho ngành nội vụ có 3 vấn đề quan trọng. Đó là việc xây dựng tổ chức hành chính Nhà nước, là một bộ máy thông suốt, liên tục, có sự gắn kết chặt chẽ, liên thông. Vấn đề thứ 2 là làm sao chúng ta thực hiện cho được Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản của bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước. Thứ 3 là vấn đề cải cách hành chính”.
“Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong việc tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử” – ông Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: An toàn thực phẩm đang là đòi hỏi của người dân
Hôm qua (28/7), ông Nguyễn Xuân Cường đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, thay cho ông Cao Đức Phát.
Phát biểu với báo giới, tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tuyên bố sẽ tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm: “Câu chuyện đầu tiên phải tập trung là an toàn thực phẩm, một vấn đề nóng hổi, đang là đòi hỏi của người dân. Chúng tôi sẽ bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm”.
“Cùng với đó là tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được 3 vấn đề gồm: sản xuất nhỏ manh mún, biến đổi khí hậu và hội nhập. Việc tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được làm theo hướng sản xuất chuỗi, bền vững, hiệu quả” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Trong tổng số 27 thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là trường hợp duy nhất là nữ giới và cũng là thành viên duy nhất không phải là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được phê chuẩn với số phiếu thuận cao thứ 7 trong 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành với 93,52% tổng số đại biểu đồng ý.
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu ra 5 nhiệm vụ chính của ngành y tế trong nhiệm kỳ mới: “Thứ nhất là Đổi mới toàn diện chất lượng khám, chữa bệnh để tập trung vào người bệnh và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thứ 2 là tăng cường hoạt động đầu tư y tế cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình và gắn với phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường và nâng cao chất lượng cuộc sông, chú trọng đến người cao tuổi. Thứ 3 là đổi mới cơ chế tài chính gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và đặc biệt chú trọng đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Thứ 4 là đổi mới mô hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ cán bộ y tế trong cả nước. Thứ 5 là huy động các nguồn lực, đặc biệt là phương thức xã hội hóa để đầu tư hạ tầng cho y tế”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Phải rà soát các chính sách thu từ trước đến nay
Sau khi tái đắc cử Bộ trưởng Bộ Tài chính với tỷ lệ 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, ông Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ với báo chí về chương trình hành động thời gian tới: “Bộ Tài chính đang triển khai đề án tái cơ cấu ngân sách Nhà nước gắn với đảm bảo an toàn nợ công. Theo đó, phải tổ chức rà soát hết các chính sách thu từ trước đến nay. Trong điều kiện chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế, phải cắt giảm lộ trình thuế quan theo các hiệp định đã cam kết, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới diễn biến rất phức tạp và có thể nói là không thuận lợi. Chúng ta phải rà soát, điều chỉnh lại chính sách thu để vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước".