Phát triển mô hình "nhà bán trú dân nuôi"

Nguyễn Sơn-Thứ ba, ngày 14/07/2009 21:24 GMT+7

Qua triển khai thực hiện, mô hình "nhà bán trú dân nuôi" tại các trường trung học cơ sở ở các huyện miền núi đặc biệt khó khăn đã thể hiện rõ hiệu quả tích cực trong công tác dạy và học. Mức đầu tư tuy không lớn, nhưng ý nghĩa xã hội lại rất đáng ghi nhận. Vì vậy, đây cũng chính là hạng mục được các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam quan tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30a về việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững cho hơn 60 huyện nghèo theo sự phân công của Chính phủ.

Hiện tại, nhiều dãy nhà tạm vẫn đang được sử dụng làm lớp học tại Trường Trung học sơ sở xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Hơn 1/2 thôn bản của xã nằm bên kia sông Nậm Mu, cách trường cả chục km. Có bản ở tít trên núi cao, tới trường phải mất 5 - 6 tiếng. Nhà trường đã vận động các hộ gia đình đóng góp xây "nhà bán trú" cho số học sinh nhà ở xa. Tuy còn rất tạm bợ, nhưng cái "nhà tạm" này đã giúp nâng tỷ lệ chuyên cần tại trường lên hơn 90%.

Thầy giáo Lưu Trọng Tấn, Hiệu trưởng trường THCS xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu phát biểu: "Chúng tôi tổ chức mô hình bán trú này, qua một thời gian đã được đánh giá là rất hiệu quả và thực sự cần thiết để đảm bảo nâng cao tỷ lệ chuyên cần, sỹ số và chất lượng chung".

Hơn 350 em học sinh Trường Trung học cơ sở xã Phúc Than, huyện Than Uyên sống rải rác tại các thôn bản cách trường trung bình từ 5 - 10km. Tại đây chưa có "nhà bán trú" cho học sinh. Những hôm thời tiết xấu, tỷ lệ học sinh đến lớp giảm hẳn. Để theo học, nhiều em phải ở trọ nhà dân khu vực ven trường. Thầy giáo Trần Xuân Phương, Hiệu trưởng trường THCS Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong những ngày mưa gió, thời tiết xấu thì tỷ lệ học sinh của trường rất thấp, dao động từ 80 - 85%. Nhất là khi mưa lũ, nhiều điểm trường lại xa, nhiều học sinh nhà xa, suối to nên các em không thể qua suối được. Vì vậy, nhu cầu về nhà bán trú là nhu cầu rất cần thiết của nhà trường".

Theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, các doanh nghiệp được phân công giúp giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện đặc biệt khó khăn miền núi đều quan tâm tới việc hỗ trợ giáo dục - đào tạo, trong đó có hạng mục xây "nhà bán trú dân nuôi".

Nhờ có Nghị quyết 30a của Chính phủ, đến cuối năm 2010, nhiều trường trung học cơ sở tại hơn 60 huyện nghèo trong cả nước sẽ được đầu tư xây dựng "nhà bán trú dân nuôi" cho học sinh nhà ở xa trường, trong đó có 21 trường trung học cơ sở của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước