Phó Chủ tịch nước kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngọc Trang - Đông Hoài.-Thứ năm, ngày 01/08/2013 17:01 GMT+7

 “Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học. Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT…”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Sáng 31/7, nhiều chuyên gia, học giả có tên tuổi trong lĩnh vực giáo dục đã có nhiều ý kiến đóng góp mang tính đột phá tại Hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VTV News)

Từ kinh nghiệm thực tế, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đặt câu hỏi, phải chăng Việt Nam đang lãng phí rất lớn số học sinh, Thạc sĩ, Tiến sĩ được đào tạo ra rất nhiều, nhưng đất nước vẫn chậm đổi mới và tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. Phó Chủ tịch nước cho rằng, phải rà soát lại từng lĩnh vực để có giải pháp cụ thể. Cách đánh giá kết quả giáo dục đào tạo cũng phải xem lại.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học. Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao, trong khi có năm làm mạnh tay có trường tốt nghiệp chỉ 14%, thậm chí có trường tốt nghiệp 0%”.

Theo GS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, đổi mới tư duy về giáo dục là cần cấu trúc lại chương trình THPT theo 2 nhánh, vì việc phân ban đã thất bại do không phải ai cũng có nhu cầu học lên Đại học.

“Chương trình bậc phổ thông phải làm thế nào đáp ứng được yêu cầu của tất cả mọi hoàn cảnh của mọi người. Tức là sau khi học phổ thông có thể đi làm ngay hoặc đi làm sau một kì đào tạo ngắn hạn. Tôi nghĩ học theo chương trình phổ thông hiện hành là hoàn toàn không cần thiết và rất lãng phí”, GS.Văn Như Cương nêu ý kiến.

GS Hồ Ngọc Đại thì cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông chỉ cần 11 năm, trong đó có 6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT, như vậy 17 tuổi có thể ra khỏi trường phổ thông. Kéo dài đến 12 năm như hiện này vừa thừa, vừa tốn kém.

Còn Giáo sư Phạm Thị Trân Châu - Uỷ Ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần phải chú trọng nhiều hơn đến giải pháp đào tạo đội ngũ giáo viên có tâm có tầm, người học có động cơ đúng đắn không phải học chỉ để có "tấm bằng thật, chất lượng giả".

“Những biện pháp để nâng tầm giáo viên đã nêu trong chiến lược là khá đầy đủ và có thể được. Nhưng trong đó còn thiếu những giải pháp để làm cho tâm người thầy sáng hơn, mà ta biết là ảnh hưởng của thầy giáo rất sâu đậm trong học trò, nhất là ở những bậc thấp...”, GS.TS Phạm Thị Trân Châu nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, các ý kiến được đưa ra tại Hội nghị này sẽ được tổng hợp gửi đến Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ để có cơ sở tổ chức các hội nghị phản biện.

Mời quí vị theo dõi VIDEO Hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước