Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát mô hình Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (Ảnh: Chính phủ)
Với tổng lượng chất thải được xử lý là 900 tấn/ngày đêm,
Bình Dương hiện là tỉnh thứ ba trong cả nước sau Hà Nội và TP.HCM về xử lý tốt chất thải rắn bao gồm chất thải sinh hoạt, công nghiệp và chất thải y tế. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu xử lý bền vững đến năm 2030, thì đầu tư về hạ tầng, công nghệ và quy hoạch đang được tỉnh này rất quan tâm. Trong chuyến thăm và làm việc tại Khu xử lý chất thải rắn và khu xử lý nước thải Thủ Dầu 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương tại Công ty cấp thoát nước, môi trường tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến tỉ lệ thu gom
chất thải rắn hiện nay là 83%. Nhưng có đến 90% trong số này là được chôn lấp. Trong 458 bãi chôn lấp chất thải của cả nước thì chỉ 26,8 % là đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy nhu cầu xử lý chất thải rắn là rất cao trong những năm tới.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương còn lúng túng trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng, công nghệ. Chính vì vậy, mô hình Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Khu xử lý nước thải Thủ Dầu 1 được xem là cách làm hay nhờ quy hoạch sớm và chủ động trong vấn đề xử lý nước. Với việc đầu tư công nghệ theo nguồn vốn
ODA, Công ty cấp thoát nước, môi trường Bình Dương đã giải quyết được cơ bản vấn đề rác thải, chất thải công nghiệp và y tế của tỉnh, từ mô hình 200 tấn năm 2004 đến nay là 900 tấn/ngày đêm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh trong thời gian tới Bình Dương vẫn phải tiếp tục quan tâm việc lập quy hoạch, khuyến khích phát triển mô hình theo hướng xã hội hóa, và đặc biệt phân loại rác tại nguồn để đảm bảo xử lý rác hiệu quả và bền vững.