Phòng chống dịch sởi: Các bệnh viện vệ tinh "chia lửa" với BV Nhi Trung ương

VTV ONLINE-Thứ bảy, ngày 19/04/2014 15:25 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Kính tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng 19/4.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sau khi có chỉ đạo quyết liệt, mấy ngày gần đây nhiều bệnh nhân đã được chuyển sang bệnh viện vệ tinh và tình trạng lây lan của dịch sởi đã giảm.

Trả lời trong chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay (19/4), Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - ông Nguyễn Văn Kính - cho biết tình trạng lây lan của dịch sởi đã được giảm và các trường hợp tử vong cũng giảm: "Ngày hôm qua, Bệnh viện Nhi chỉ có 5 trường hợp nhập viện do sởi. Các bệnh viện vệ tinh đã chia lửa cho Bệnh viện Nhi. Như vậy, chúng ta có thể thấy nguy cơ lây lan đã được giải toả. Chúng tôi hy vọng trong một thời gian ngắn, nguy cơ lây lan chéo trong Bệnh viện Nhi sẽ không còn nữa".

Nói về tình trạng bệnh sởi lây lan có phải do tỷ lệ tiêm chủng giảm trong thời gian gần đây hay không, PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nói: "Trong thời gian qua, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đã rất nỗ lực để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao, tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do do tâm lý e ngại của cộng đồng cũng như của các bậc cha mẹ sau những tai biến cũng như sự cố sau tiêm chủng liên quan đến vacine (sau này đã được xác định không phải do vacine), nhưng do tâm lý e ngại những sự cố đó đã dẫn tới tình trạng tiêm chủng bị giảm xút".

Vậy làm thế nào để tránh tình trạng lo lắng đó cho các bậc cha mẹ?

"Tất cả những việc xảy ra chúng ta đều có quyền đưa tin nhưng chúng ta phải đưa tin rằng những tai biến xảy ra chính xác là do tiêm chủng hay không phải do tiêm chủng" - ông Nguyễn Văn Kính trả lời - "Bởi vì nguyên nhân dẫn đến tử vong có rất nhiều, đặc biệt với những đứa trẻ mới được sinh ra trong vòng một tháng tuổi đến 6 tháng tuổi có rất nhiều nguy cơ. Bản thân không tiêm chủng cũng có thể dẫn đến tử vong, cho nên khi chúng ta phân tích phải có ý kiến của các nhà chuyên môn trước khi chúng ta công bố cái này có liên quan đến tiêm chủng hay không, như thế người dân sẽ yên tâm hơn".

"Bởi vì những trùng hợp ngẫu nhiên do tiêm chủng cũng như những trường hợp tử vong do những căn nguyên khác là rất dễ xảy ra" - ông Trần Như Dương tiếp lời - "Và sự thật trong quá trình điều tra chúng ta cũng đã thấy những trùng hợp ngẫu nhiên, cuối cùng đã tìm ra là không phải. Nên, rất mong các anh chị truyền thông nói với cộng đồng để giải toả những tâm lý bất an cho nhân dân, cho bà con để họ tin tưởng vào việc tiêm chủng".

Vậy làm thế nào để thuyết phục được cộng đồng an tâm khi đưa con em họ đi tiêm chủng - dù đã được cảnh báo là trong tiêm chủng có thể có những xác suất về tai biến?

"Mọi thứ đều ở tính chất tương đối, không có gì tuyệt đối cả và vì chữ xác suất đó nó chỉ nằm trong một phần triệu, một phần mười triệu mà chúng ta đánh đổi và sau đó chúng ta phải gánh chịu hậu quá... thì chúng ta nên suy xét và nói cho cộng đồng rõ. Chúng ta nên yên tâm cho con em mình đi tiêm chủng. Nếu ai cũng lo cái phần xác xuất nhỏ đó nó rơi vào mình rồi không cho con đi tiêm chủng, rồi hàng triệu người như thế thì con số không đi tiêm chủng sẽ rất lớn và nguy hiểm. Nếu chỉ vì tâm lý ấy thì chúng ta phải chấp nhận là sẽ có hàng trăm trường hợp tử vong" - Ông Nguyễn Văn Kính trả lời.

"Chúng ta biết đi xe máy là sẽ gặp tai nạn nhưng có ai ngừng đi xe máy không?" - Ông Kính nói tiếp và sau đó ông đưa lời khuyên rằng các bậc cha mẹ đừng vì nỗi sợ hãi mà không đưa con mình đi tiêm chủng. Vì khi trẻ được tiêm chủng sẽ có rất nhiều lợi ích về sức khoẻ.

Ông Nguyễn Văn Kính và Trần Như Dương cũng cho biết thêm, theo điều lệ mới, khi trẻ em được đưa đi tiêm chủng đều sẽ được khám sàng lọc, nên các bậc cha mẹ có thể yên tâm hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước