Phụ huynh trở thành kênh giám sát, đảm bảo chất lượng ATTP trong trường học

Minh Đức-Thứ năm, ngày 18/04/2019 17:48 GMT+7

VTV.vn - Nhiều trường tiểu học tại Hà Nội đã áp dụng mô hình phụ huynh phối hợp cùng nhà trường để kiểm soát thực phẩm, từ khâu nhận thực phẩm đến việc đưa vào bếp ăn, chế biến...

Từ đầu năm 2019 đến nay, công tác kiểm tra đảm bảo chất lượng bữa ăn tại các trường học đã được siết chặt hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều trường học tại Hà Nội cũng đã tạo điều kiện phục vụ học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn, điều này giúp tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập trường học.

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên, khi ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học thì số lượng bệnh nhân rất nhiều. Đáng chú ý, những người bị ngộ độc chủ yếu là trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu, việc ngộ độc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Do đó, những vụ việc xảy ra liên quan tới vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm học đường luôn khiến các bậc phụ huynh bất an.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát để bảo đảm chất lượng thực phẩm. Phụ huynh sẽ là người sát sao nhất với chất lượng thực phẩm vì sức khỏe của chính con em mình, nhờ đó sẽ không tạo nên lỗ hổng cho thực phẩm bẩn tràn vào bếp ăn tập thể.

Hiện nay, rất nhiều trường tiểu học tại Hà Nội đã áp dụng mô hình phụ huynh phối hợp cùng nhà trường tham gia vào khâu kiểm soát thực phẩm, từ khâu nhận thực phẩm đến việc đưa vào bếp ăn, mọi thứ đều được công khai, minh bạch nguồn cung cấp, giúp phụ huynh yên tâm hơn. Bản thân các bậc phụ huynh cũng sẽ trở thành một kênh giám sát, hỗ trợ nhà trường đảm bảo chất lượng, ATTP trong trường học. Điển hình như quận Hoàng Mai, 100% trường mầm non và tiểu học đều có bếp ăn trong trường học.

Việc nhà trường phối hợp với ban phụ huynh kiểm soát thực phẩm được tiến hành hàng ngày. Tại trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ), từ nhiều năm nay, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh trong khâu giao nhận thực phẩm. Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) cũng quyết định để phụ huynh cùng được tham gia vào khâu kiểm soát thực phẩm của nhà trường.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để phụ huynh tham gia giám sát an toàn thực phẩm tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Dù không có chuyên môn, không có công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng...

Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không, giúp mọi việc trở nên minh bạch và rõ ràng.

Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Đồng thời, nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.

Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà Ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước