Phục chế thành công tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Bích Vân-Thứ hai, ngày 07/05/2012 13:30 GMT+7

Mới đây, ba bức tranh lụa “Cô gái cưỡi bò qua sông” năm 1967, “Hun Thuyền” và “Đón củi” năm 1938 của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh - bậc thầy tranh lụa của Việt Nam đã được các chuyên gia Nhật Bản phục chế thành công.

Chơi “ô ăn quan” - tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh. (Ảnh: Tạp chí Mỹ thuật)

Việc phục chế này không chỉ có ý nghĩa làm hồi sinh di sản tranh lụa đã từng gây tiếng vang lớn ở những triển lãm mỹ thuật quốc tế những năm 1930 mà còn mang đến nhiều suy ngẫm cho những người yêu tranh lụa khi dòng tranh này đã không còn các thế hệ hoạ sỹ ngày nay theo đuổi.
Ba bức tranh của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh ở tình trạng gần như sắp biến mất trước khi phục chế. Ba năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón bà Iwai - người nổi tiếng trong làng mỹ thuật thế giới với việc phục chế thành công các bức hoạ của Picasso, Monet đến mục sở thị những bức tranh lụa còn lại của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh. Cẩn trọng đo lại từng mảng màu, bóc tách lớp giấy xi măng đằng sau những bức lụa, bà Iwai hoàn tất phục chế 3 bức tranh trong 1 năm.
“Khó khăn nhất trong việc phục chế các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chính là gỡ bỏ lớp giấy xi măng, những mảnh lụa gần như tan ra và tôi đã cố gắng thu thập những mảnh còn sót lại. Tôi cảm phục Nguyễn Phan Chánh khi ông cho ra đời những tác phẩm trong điều kiện khó khăn”, bà Kikuko Iwai, Giám đốc Học viện phục chế nghệ thuật Iwai cho biết.
Những mảng màu đặc trưng trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh hay gương mặt thiếu nữ bầu bĩnh và nhân hậu đã được các chuyên gia phục chế làm hồi sinh. Sau khi hoàn tất công việc, đoàn chuyên gia Nhật đã có buổi báo cáo kết quả phục chế với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điều đặc biệt là toàn bộ chi phí cho công việc này đều được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ những người bạn Nhật yêu tranh lụa Nguyễn Phan Chánh.
Ông Tsutomu Nakamura, Chủ nhiệm dự án phục chế tranh lụa Nguyễn Phan Chánh kể: “Năm 2001, tôi sang Việt Nam và tình cờ nhìn thấy tranh của Nguyễn Phan Chánh in trên một cuốn lịch, tôi đã bị mê hoặc bởi tranh của ông và tôi quyết tâm tìm đến nhà ông để xem tranh. Khi nhìn thấy những bức tranh đã bị hỏng rất nặng, chúng tôi có ý định mang về Nhật Bản để phục chế và thật may mắn, gia đình hoạ sỹ đã đồng ý”.
Hiện tại, gia đình hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh vẫn còn gần chục bức tranh lụa nhưng đa số đã bị hỏng rất nặng. Những bức tranh được coi là đại diện của phong cách tranh lụa khó trộn lẫn với Nhật Bản hay Trung Quốc đang tìm đường để hồn tranh sống lại. 40.000 lượt người đã đến thăm triển lãm 3 bức tranh đã được phục chế tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tokyo cho thấy sức hút của dòng tranh này với người yêu nghệ thuật, khẳng định tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh trong làng mỹ thuật châu Á.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước