QH thảo luận Luật phòng, chống mua bán người

Thu Trà -Thứ tư, ngày 27/10/2010 11:30 GMT+7

Thảo luận tại tổ sáng nay, các ĐBQH đều cho rằng, trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới.

Cán bộ Chi cục PCTNXH Lào Cai tiếp cận nạn nhân bị buôn bán trở về. Ảnh: baolaocai

Những vấn đề các đại biểu tập trung thảo luận đó là khái niệm mua, bán người, hành vi mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người. Các biện pháp phòng ngừa mua bán người; Việc phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua, bán người; các biện pháp bảo vệ nạn nhân...

Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên, trong đó có nguyên nhân liên quan đến pháp luật, hệ thống các văn bản hiện hành về phòng chống mua, bán người của nước ta còn phân tán, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện... Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, có hiệu lực pháp lý cao sẽ góp phần khắc phục những bất cập nêu trên đảm bảo hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Có đại biểu cho rằng: Buôn bán chỉ là một dạng mua bán có tính chuyên nghiệp cao hơn nhằm mục đích lợi nhuận. Do vậy, dự thảo Luật này không nên chỉ điều chỉnh việc phòng, chống buôn bán người, mà nên mở rộng quy định quy định về phòng, chống mua bán người nói chung, bao gồm cả hành vi mua bán người có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp (tức là buôn bán) lẫn hành vi mua bán đơn lẻ hoặc đồng phạm đơn giản, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta. Do vậy, gọi tên dự án Luật là Luật Phòng, chống mua bán người.

Tuy nhiên cũng có đại biểu đề nghị lấy tên Luật là “Luật phòng, chống buôn bán người” và điều chỉnh việc phòng, chống buôn bán người.

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân được quy định Điều 29 của dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng: một số quy định về bảo vệ an toàn cho nạn nhân như bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ… là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tính khả thi không cao. Trong khi hiện nay không chỉ có nạn nhân bị mua bán cần được bảo vệ, mà còn có nhiều đối tượng khác cũng cần bảo vệ như người làm chứng, người tố cáo…

Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bảo đảm quy định phù hợp, cân đối với các đối tượng khác và thực hiện được trên thực tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước