QH xem xét thông qua Luật Lao động sửa đổi

Nguyễn Trung-Thứ hai, ngày 18/06/2012 11:30 GMT+7

Hôm nay (18/6), Dự thảo BLLĐ sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua. Không chỉ liên quan đến các lĩnh vực KT-XH và mọi tầng lớp dân cư, bộ luật này còn liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng thăm CNLĐ công ty Juki VN. Ảnh: Lao động
Vì vậy, việc thông qua bộ luật này cần khắc phục được những hạn chế hiện nay, góp phần cải thiện quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Tại khách sạn của công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia, có những công việc nhiều khi không thể giải quyết hết trong giờ làm việc chính thức nên rất cần người lao động làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo dự thảo BLLĐ sửa đổi, người lao động không được làm thêm quá 4 giờ một ngày.
Nhiều người lao động ở đây cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết. Bởi nhiều người cũng muốn có thêm thu nhập để trang trải nhu cầu cuộc sống hoặc vì đặc thù công việc. Vấn đề là phải trả thù lao thỏa đáng.
“Tôi thấy quy định của chính phủ tăng chi trả để làm thêm giờ như thế là hợp lý, vì như thế chúng tôi mới có sức khỏe để làm thêm giờ”, chị Nguyễn Thị Thúy Hương, công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia nói.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ngày càng được kiện toàn hơn trong dự thảo luật lao động. Tuy nhiên, theo nhiều đại diện công đoàn cơ sở, cần phải có thêm những quy định mang tính đặc thù cho từng ngành nghề.
Bà Đỗ Thị Lan, Chủ tịch Liên đoàn lao động Quảng Ninh kiến nghị: “Đối với nữ trong môi trường độc hại nên tăng thời gian nghỉ sinh, hơn 6 tháng thì càng tốt”.
Năm 2011, cả nước có 978 vụ đình công, gấp hơn 2 lần năm 2010 và hầu hết trái luật. Mặc dù 70% số vụ đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhưng công đoàn chưa tổ chức và lãnh đạo một cuộc đình công nào.
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: “Cần phải minh bạch hóa quan hệ giữa DN với tổ chức công đoàn, bởi công đoàn bảo vệ người lao động tức “soi” hoạt động của người sử dụng lao động, nhưng lại phụ thuộc nguồn tài chính của người sử dụng lao động thì khả năng hoạt động sẽ rất yếu”.
Bộ luật lao động hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội. Nếu như năm 2005, số tiền nợ BHXH là 1.064 tỉ đồng, thì đến năm 2011 đã tăng lên hơn 3.300 tỉ đồng.
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động VCCI: “Khi người sử dụng lao động lẩn tránh trách nhiệm đóng đương nhiên các chế tài phải đủ mạnh. Vấn đề trọng tài tòa án là để làm những việc đó và Luật lao động phải làm”.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo lần này là quy định về chế độ tiền lương, đặc biệt là mức lương tối thiểu. Thực tế, lương thấp trong các doanh nghiệp FDI đang là nguyên nhân chính của các vụ đình công, lãn công trong thời gian qua. Theo Tổng liên đoàn lao động VN, cần phải giải quyết triệt để vấn đề này trong Luật lao động sửa đổi.
Dự kiến hôm nay, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua bộ luật này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước