Quá chậm ứng phó ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/10/2019 10:42 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Báo chí toàn cảnh đã đề cập tới một chủ đề được phản ánh đậm nét trong thời gian qua, đó là ô nhiễm không khí.

Vấn đề ô nhiễm không khí đã trở thành mối quan tâm của nhiều nước Đông Nam Á thời gian gần đây. Không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà nhiều bức ảnh chụp các thành phố của Thái Lan, Malaysia thậm chí cả Singapore đều thấy hình ảnh thành phố chìm trong bụi mù. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nước đều có những cảnh báo cũng như giải pháp đóng cửa các trường học ngay khi ô nhiễm không khí xảy ra... trong khi đó, ở Việt Nam, sự hoang mang về ô nhiễm không khí kéo dài từ tuần trước tới tuần này.

Trên tờ Tuổi trẻ, bài viết có tên "Quá chậm ứng phó ô nhiễm", với hình ảnh đi kèm là người dân đi trên Đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi, nơi có nhiều công trình đang xây dựng, được dư luận chú ý. Bị chê là chậm bởi dù Bộ tài nguyên và môi trường cũng như UBND TP. Hà Nội đều khẳng định ô nhiễm không khí tăng cao thường xảy ra vào thời điểm giao mùa các năm, tức có tính quy luật, nhưng lại không có giải pháp ứng phó hay chỉ đơn giản là khuyến cáo sớm để người dân chủ động phòng tránh.

Sự chậm chạp trong ứng phó cũng khiến người đứng đầu Chính phủ phải cảm thấy sốt ruột. Kết luận phiên họp chính phủ thường kỳ trong tuần, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ, xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng.

Nguyên nhân ô nhiễm không khí đã được Bộ tài nguyên và môi trường báo cáo khá đầy đủ … sau khoảng 3 tuần ô nhiễm kéo dài. Theo báo cáo này thành phố Hà Nội đã xác định được 12 nguồn chính gây ô nhiễm như phát thải từ gia tăng khí thải ô tô, xe máy, phá dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định, hệ thống thoát nước thải bốc mùi hôi. Trong những ngày tiếp theo, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt vào đêm và sáng sớm.

Nói một cách khách quan, không phải các cơ quan quản lý chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí bởi theo UBND TP. Hà Nội, trong những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp như lắp đặt trạm quan trắc, kiểm soát nguồn thải, ban hành kế hoạch đến 2020 không dùng bếp than tổ ong, triển khai nhà máy hút bùn, xử lý rác thải… Tuy nhiên, câu chuyện thực thi lại là khâu cực kỳ yếu ở Việt Nam.

Do vậy, theo tờ Giáo dục và Thời đại, trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, mỗi người dân cần chung sức và dám hy sinh một vài thói quen sinh hoạt cố hữu không thể trong chung cư hay mỗi sáng người dân vẫn đồng loạt đốt than tổ ong đun nấu cho tiết kiệm; không thể ở nông thôn cứ đốt rơm rạ cho tiện thay vì đầu tư làm biogas.

Bên cạnh đối mặt với ô nhiễm không khí, tuần qua, người dân ở TP. Hồ Chí Minh còn phải oằn mình trước tình trạng nước ngập vì triều cường. Những hậu quả từ bê tông hóa dày đặc, các mảng xanh đô thị thu hẹp,… đã thật sự nhãn tiền. Ra đường mà phải chịu đựng khói bụi, triều cường nước ngập, kẹt xe… điều này thể hiện rõ chất lượng cuộc sống của cư dân giảm dần.

Vì vậy, theo tờ Người lao động bình luận, dù giàu hay nghèo thì cư dân cũng cần được sống trong cảnh an vui, không khí trong lành, không bị nguy cơ bệnh tật bủa vây cùng những bất trắc trước mắt cũng như hậu họa lâu dài. Đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền cùng các cơ quan hữu trách, hãy hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước