Thương binh Nguyễn Văn Mão ở phòng số 6, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang phát đi tín hiệu cần trợ giúp. Các bác sĩ trực tại trung tâm điều dưỡng Thuận Thành vội vã có mặt. Ông Mão là thương binh nặng nhất ở đây. Vết thương cột sống và ảnh hưởng của chất độc da cam đã làm ông nằm liệt một chỗ. Trong 42 năm qua, ông ở trung tâm này, cũng là 42 năm các y, bác sĩ ở đây sống cùng với những vết thương của ông. Sự tận tụy của họ khiến cả những người thân cũng phải nể phục.
Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành đang chăm sóc cho 98 thương, bệnh binh nặng. Hầu hết cô chú, các bác phải di chuyển bằng xe lăn. Nhiều người còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, ở đầu; người phải tiêm ở những tư thế chẳng giống ai. Vì thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau, một thương binh chỉ có thể lấy được ven ở cổ. Ngày hai lượt khám phát thuốc cho các thương binh, những y, bác sĩ ở đây đã quen với những tình huống bất ngờ mà các chú, các bác có thể làm khi cơn đau hành hạ.
Còn tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có những thương binh đã phải ở một tư thế nằm trong suốt 20 - 30 năm qua. Nhiều người không có gia đình riêng. Do đó, cán bộ ở trung tâm vừa là người chăm sóc sức khỏe, cũng là chuyên gia tâm lý. Phòng riêng của các thương binh hiện đã có đủ ti vi, tủ lạnh, điều hòa. Nhiều người không thể tự ăn uống, vệ sinh đã có các nhân viên hộ lý chăm sóc. Khi vui vẻ, khỏe mạnh, họ chia sẻ niềm vui bên những ván cờ.
Rất nhiều người lính trở về từ các chiến trường mang trong mình thương tật, đớn đau, di chứng của chiến tranh. Vết thương vẫn tái phát mỗi khi trái gió trở trời, nhưng sự tận tình của các cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn khiến họ cảm thấy ấm lòng, thân thiết như những người ruột thịt trong gia đình. Tri ân công ơn của những người lính đã dành cả tuổi xuân và máu xương của mình cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân luôn dành tình cảm tới những thương, bệnh binh. Sự quan tâm tới các thương, bệnh binh là trách nhiệm, cũng là nghĩa tình, là đạo lý đời đời chảy trong dòng máu Việt - đạo lý uống nước nhớ nguồn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!