"Liệt sỹ sống" là cách gọi những thương binh nặng đặc biệt, bị mất trên 81% sức khỏe. Nhà nước đã có chính sách khi họ mất do vết thương tái phát hoặc chết khi đang điều trị sẽ được tôn vinh là những liệt sỹ quên mình vì Tổ quốc. Nghe qua ai cũng sẽ nghĩ họ là những người sức khỏe kém, chỉ ngồi một chỗ nhưng không phải vậy.
Nghe tiếng kẻng là lên đường, một cuộc hành quân rèn thể lực như cách gọi vui của những thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam lại bắt đầu. Rèn sức là một chuyện, cái chính là rèn ý chí người lính, ngay cả khi không còn khả năng vận động. Ông Trần Văn Vệ bị liệt cột sống, thương tật 95%, được bầu là chiến sỹ quả cảm nhất trong trung tâm bởi lúc nào, ông cũng đi sớm nhất, làm chục vòng hồ là chuyện thường.
Một tấm gương khác là ông Phan Văn Bôn. Một mảnh đạn găm vào sọ não khi ông tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm khói lửa ở thành cổ Quảng Trị khiến ông cứ đau đầu liên miên. Nhưng hễ hôm nào khỏe, ông lại ra nghĩa trang, lặng lẽ một mình với công việc quản trang. Ông bảo Tích Sơn là quê hương, nghĩa trang là nhà, đây là điểm gặp mặt đồng đội trên chính quê mình.
Hay ông Hoàng Văn Tuyên, một thương binh chịu thương tật 82% giờ lại thành ông chủ của một xưởng may hơn 300 công nhân. Ông thuộc tên từng người, hỏi thăm thường xuyên vì không ít trong số này là con em đồng đội của ông.
Những máy may trong xưởng nhà ông Tuyên vẫn hối hả với đơn hàng mới xuất đi Mỹ. Nghĩa trang phường Tích Sơn, nhờ ông Bôn mát tay mà nay hoa đã nở, nhãn đã ra quả, còn bưởi thì trĩu chịt. Những vòng quay xe lăn đầy nghị lực vẫn lăn đều mỗi sáng tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên. Họ không muốn ai gọi họ là liệt sỹ sống mà họ là những con người sống quả cảm trong thời chiến, sống ý nghĩa, nghị lực và lạc quan giữa thời bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!