Quốc hội: Hiện thân của Đại đoàn kết dân tộc

Thái Thanh-Ngọc Hà-Thứ năm, ngày 19/05/2011 08:00 GMT+7

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội đầu tiên tháng 1/1946 đến nay, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng Quốc hội đã luôn thể hiện rõ là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống.

Ngay từ khóa I, trong cơ cấu và cách thức tổ chức của Quốc hội đã thể hiện tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ngay trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã xác định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam”. Từ Tuyên ngôn này, Quốc hội luôn bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân ở các tỉnh thành, các dân tộc, tôn giáo.

Tinh thần đại đoàn kết trong Quốc hội được ủng hộ, tạo nền tảng giúp cách mạng Việt Nam phát huy tối đa sức mạnh dân tộc và góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến sau này.

Ông Nguyễn Văn Trân, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII phát biểu: “Quốc hội của chúng ta gồm nhiều thành phần: Công nhân, nông dân, phụ nữ, phụ lão, các tôn giáo. Bác Hồ đã từng nói, Quốc hội ta là đoàn kết, cho nên có đảng phái và không đảng phái đều có thể tham gia”.

Ông Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa VII, IX, X, XI: “Khi chúng ta nói đến đại diện của chúng ta, thì tất cả người dân đều là tham gia vào việc lựa chọn người tin cậy để thể hiện quyền lực của mình trao cho họ. Ngay từ đầu, chúng ta đã thể hiện điều đó, tính đại diện ngày một duy trì và tiếp tục, đó là thuộc tính rất đặc thù của chế độ chúng ta, dù là chiến tranh, hay chia cắt thì tính đại diện của Quốc hội vẫn được thể hiện rõ”.

Thời kỳ đổi mới, mỗi năm, Quốc hội ban hành hàng chục Luật, thực hiện các chương trình giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trước mỗi vấn đề như vậy, các đại biểu đều thảo luận, thậm chí tranh luận dưới nhiều góc độ khác nhau trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII cho rằng: “Quốc hội chính là thể chế đại diện cao nhất cho cơ chế để thực hiện mục tiêu đại đoàn kết ấy. Chúng ta thấy trong Quốc hội có những tranh luận rất gay gắt giữa Quốc hội với bên hành pháp, giữa lĩnh vực này và lĩnh vực khác, nhưng tất cả sự phản biện ấy là để đạt được mục tiêu cuối cùng là sự đồng thuận”.

Cử tri cả nước lại đang đứng trước việc lựa chọn những đại biểu Quốc hội đủ đức, đủ tài để thực hiện chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm tới, mà những thảo luận tại Quốc hội sẽ phát huy hiệu quả tích cực khi các đại biểu là những người đại diện xứng đáng cho mọi tầng lớp trong xã hội và phát huy hiệu quả tinh thần đại đoàn kết đã tồn tại ở Quốc hội hơn 60 năm qua.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước