Bên cạnh việc khẳng định vai trò của thủy điện đóng góp tích cực trong phát triển an ninh năng lượng quốc gia khi đảm bảo đến 40% công suất phát điện của cả nước, các đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện trong thời gian qua cũng đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, gây bất ổn cho đời sống của người dân, đặc biệt khi có đến hơn 19.000ha rừng bị mất, trong đó có 10.000ha là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đề nghị phải xem xét trách nhiệm phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các dự án thủy điện, đồng thời đề nghị cần phải có báo cáo đánh giá tác động trước khi tiến hành cấp phép. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho dân cư vùng hạ du các dự án thủy điện, các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đối với quy trình vận hành các công trình này cũng như trách nhiệm khắc phục mỗi khi có sự cố xảy ra.
Nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập tới trong phiên thảo luận chiều nay, đó là đảm bảo đời sống cho người dân khu vực dự án cũng như trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan, các địa phương trong việc xử lý khắc phục hậu quả các dự án thủy điện. Cũng trong chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Luật Công chứng sửa đổi.