Quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Phạm Huyền - Chu Chỉnh - Sơn Tùng (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 24/05/2016 15:10 GMT+7

VTV.vn - Sự hỗ trợ từ các quốc gia là nguồn lực quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công trình nâng cấp đê ngăn mặn kết hợp với đường giao thông tránh bão lũ dài 1,6 km xây dựng tại xã Tam Giang, huyện núi thành, tỉnh Quảng Nam là một trong hàng loạt các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu được sự hỗ trợ của Đan Mạch. Công trình này đã ngăn chặn triệt để tình trạng xâm nhập mặn. Cùng với sự giúp đỡ về tài chính, Đan Mạch cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng sạch, chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với khí hậu.

Bà Charlotte Laursen - Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch - cho biết: "Đan Mạch là quốc gia có kinh nghiệm và tiềm năng trong việc sản xuất năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời sinh khối. Làm thế nào để hợp tác chia sẻ những kinh nghiệm của chúng tôi cho các bạn là điều cần thiết cho xu thế xanh bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Viêt Nam".

Từ năm 2010, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được hơn 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ quốc tế. Bên cạnh các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á là hai trong số những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này; với các dự án tập trung vào việc giúp Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm phát thải khí nhà kính và trồng rừng.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam - cho hay: "Chúng tôi đang triển khai Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó có Việt Nam. Dự án hướng đến việc cải thiện hệ thống tưới tiêu và quản lý nguồn nước, giúp nâng cao khả năng kiểm soát hạn mặn và lũ lụt. Trước tình hình hạn mặn nghiêm trọng tại Việt nam hiện nay, chúng tôi cũng đang xem xét một khoản hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp dành cho Việt Nam trong một vài tuần tới".

Có thể nói, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Plan hay Care cũng được coi là nguồn lực giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cung cấp các kỹ năng thiết yếu cho người dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu là cách mà các tổ chức này đang thực hiện tại Việt Nam.

Ông Trần Trọng Nghĩa - Quản lý Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tổ chức Plan tại Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi triển khai các dự án để người dân có thể chủ động chuyển đổi các mô hình canh tác, sản xuất cũng như ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan và thiên tai có thể gây ra".

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với mức độ ảnh hưởng như hiện nay, vào năm 2030, tổn thất do thiên tai gây ra cho Việt Nam có thể lên từ 3-5% GDP. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc chủ động huy động, đa dạng hóa nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam không chỉ đóng góp chung cùng với các quốc gia nhằm giải quyết một vấn đề toàn cầu mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.​

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước