Một mặt hàng mà có tới 3 tầng quản lý từ giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng cho đến chứng nhận hợp quy. Đây là một thực tế đã tồn tại nhiều năm nay tại các cửa xuất nhập hàng hóa. Trong số đó, nhiều điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con của các Bộ, ngành đã xuất hiện sự chồng lấn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn dẫn đến sự lãng phí cho xã hội.
50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 9 Bộ không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa cán bộ thực thi kiểm tra muốn kiểm tra gì và làm gì cũng được. Việc nhiều Bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với cùng một mặt hàng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, gánh nặng về chi phí và làm giảm năng lực cạnh tranh.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện số lượng các điều kiện kinh doanh vẫn ở mức rất cao với hơn 5.700 điều kiện. Và trong số đó, có gần 2.000 điều kiện chưa hợp lý, chồng chéo.
Điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con luôn gắn với quyền lợi, quyền lực và trách nhiệm của các bộ ngành. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, trách nhiệm có quá cao và chồng lấn không khi cùng một mặt hàng mà chịu sự kiểm soát của nhiều bộ, thậm chí nhiều cục vụ trong cùng một Bộ.
Năm 2003, trong một đợt rà soát các bộ ngành đã cắt giảm 160 điều kiện, tức là chiếm một nửa so với hiện hành. Tuy nhiên, sau mỗi lần cắt giảm, số lượng điều kiện kinh doanh hay giấy phép con vẫn tiếp tục được các bộ ngành ban hành với số lượng ngày càng tăng.
Tình trạng cố neo giữ những điều kiện kinh doanh hay giấy phép con đang là một thực tế buồn cho các doanh nghiệp. Và theo các chuyên gia kinh tế: Cải cách các điều kiện kinh doanh là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của nền kinh tế và cũng là điều kiện để GDP đạt có thể đạt mức tăng trưởng từ 7-8%/ hàng năm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!